Chòm sao VESAK và sự quy ước thời gian Ấn Độ cổ đại

Chòm sao VESAK và sự quy ước thời gian Ấn Độ cổ đại
3 giờ trướcBài gốc
Dẫn nhập: Nói đến Vesak, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến ngày lễ trọng đại của Phật giáo, kỷ niệm ba sự kiện lớn trong cuộc đời đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn. Đây là một trong những ngày lễ Phật giáo quan trọng nhất, được tổ chức trên toàn thế giới.
Để hiểu rõ về Vesak, nguồn gốc và dòng chảy lịch sử tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta cùng tìm hiểu thời đại Phật tại thế, bối cảnh xã hội và cách con người thời đại đó sử dụng lịch thời gian.
Từ khóa: Vesak, Phật đản, Ấn độ cổ đại, lịch, chòm sao, đức Phật…
Phần I. Thiên văn học, cách quy ước thời gian
1. Ý nghĩa khái niệm Vesak
Lễ hội Vesak chỉ là một hình thức mang tính kỷ niệm của con người đặt ra, thực chất, nguồn gốc Vesak có từ trước khi Phật giáo ra đời. Nhiều người đã lầm tưởng rằng Vesak là của Phật giáo, nhưng không, đức Phật không sáng chế ra điều này.
Trong tiếng Pāli, Vesak được gọi là “Vesākha”, còn trong tiếng Sanskrit là “Vaisá̄kha”. Đây là tên của tháng thứ 2 trong lịch Âm - Dương Ấn Độ cổ, tương ứng với khoảng tháng 4 - 5 theo Dương lịch hiện nay.
Tháng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo và nông nghiệp của người Ấn Độ cổ, bởi vì nó đánh dấu sự chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa.
Như vậy, trước khi trở thành ngày lễ Phật giáo, Vesak đơn thuần là một tên tháng trong lịch Ấn Độ cổ, không mang ý nghĩa tôn giáo đặc thù nào.
Vesak bắt nguồn từ đâu?
Từ Vesak là sự viết rút gọn bởi từ “Vesākha”. Từ này có nguồn gốc từ chòm sao Visākhā Nakshatra, một trong 27 Nakshatra (tinh tú) trong thiên văn học Vệ Đà. Với hệ thống lịch Âm - Dương của Ấn Độ cổ, mỗi tháng được đặt tên theo chòm sao Nakshatra mà Mặt Trăng xuất hiện gần nhất vào thời điểm trăng tròn. 12 tháng trong 1 năm của người Ấn Độ cổ được xác định theo những chòm sao với tên gọi như sau:
1. Chaitra (चैत्र) - Citta: Tương ứng khoảng tháng 3 - 4 Dương lịch hiện nay. Tháng này được đặt theo chòm sao Citra (Spica, thuộc chòm Xử Nữ - Virgo).
2. Vaisá̄kha (वैशाख) - Vesākha: Tương ứng khoảng tháng 4 - 5 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Visākhā (Libra - Thiên Bình).
3. Jyettha (ज्येष्ठ) - Jettha: Tương ứng khoảng tháng 5 - 6 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Jyetthā (Antares, thuộc chòm Bọ Cạp - Scorpio).
4. Āsādha (आषाढ़) - Āsālha: Tương ứng khoảng tháng 6 - 7 Dương lịch hiện nay. Tên gọi xuất phát từ chòm sao Āsādhā (Sagittarius - Nhân Mã).
5. Śrāvana (श्रावण) - Sāvana: Tương ứng khoảng tháng 7 - 8 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Śrāvana (Altair, thuộc chòm Đại Hùng - Aquila).
6. Bhādrapada (भाद्रपद) - Bhaddapada: Tương ứng khoảng tháng 8 - 9 Dương lịch hiện nay. Đặt theo chòm sao Purva Bhādrapadā (Pegasus).
7. Āśvina (आश्विन) - Assayuja: Tương ứng khoảng tháng 9 - 10 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Aśvinī (Aries - Bạch Dương).
8. Kārtika (कार्तिक) - Kattika: Tương ứng khoảng tháng 10 - 11 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Krttikā (Pleiades - chòm sao Thất Nữ).
9. Mārgasí̄rsa (मार्गशीर्ष) - Mīgasiro: Tương ứng khoảng tháng 11 - 12 Dương lịch hiện nay. Đặt theo chòm sao Mrgasí̄rsā (Orion - Lạp Hộ).
10. Pausa (पौष) - Phussa: Tương ứng khoảng tháng 12 - 1 Dương lịch hiện nay. Tên gọi xuất phát từ chòm sao Pusya (Cancer - Cự Giải).
11. Māgha (माघ) - Māgha: Tương ứng khoảng tháng 1 - 2 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Maghā (Leo - Sư Tử).
12. Phālguna (फाल्गुन) - Phagguna: Tương ứng khoảng tháng 2 - 3 Dương lịch hiện nay. Được đặt theo chòm sao Purva Phālguni (Leo - Sư Tử).
2. Cách người cổ đại nhận dạng và phân biệt chòm sao
Việc nhận dạng chòm sao là một quá trình quan sát, ghi nhớ và so sánh trên bầu trời, được phát triển qua hàng nghìn năm. Các nền văn minh cổ đại như Ấn Độ, Babylon, Ai Cập, Trung Quốc và Hy Lạp đều dựa vào mô hình sao trên bầu trời để đặt tên và xác định thời gian.
Đặc điểm hình dạng của các chòm sao
Nhìn thấy chòm sao bằng cách kết nối các ngôi sao sáng trên bầu trời thành hình tượng cụ thể. Con người cổ đại nhận diện các mô hình quen thuộc từ những điểm sáng trên bầu trời gọi là hiện tượng Pareidolia, nhận diện hình dạng trong các mô thức ngẫu nhiên. Các nền văn minh cổ đã kết nối các ngôi sao sáng lại với nhau để tạo ra hình ảnh động vật, vật thể hoặc thần thoại.
Ví dụ chòm Scorpio (Bọ Cạp) được các ngôi sao nối lại thành một đường cong uốn lượn, trông giống như cái đuôi của bọ cạp.
Sự khác biệt về số lượng, màu sắc, độ sáng các ngôi sao trong chòm sao
Một số chòm sao có nhiều sao sáng, dễ nhận diện, ví dụ Orion. Một số chòm sao có ít sao sáng hoặc sao mờ, khó nhận diện, ví dụ Song Ngư. Hoặc nhận diện qua đặc điểm như ngôi sao đỏ sáng rực, là điểm nhận dạng chính của chòm Bọ Cạp (Scorpius).
Vega, Altair, Deneb tạo thành Tam Giác Mùa Hè, giúp nhận dạng chòm Thiên Cầm (Lyra), Thiên Ưng (Aquila), và Thiên Nga (Cygnus). Hay như chòm Lạp Hộ (Orion) có ba ngôi sao sáng thẳng hàng làm “thắt lưng”, giúp nhận dạng nhanh.
Mỗi chòm sao có các sao màu sắc đặc trưng, giúp phân biệt như Antares (trong Bọ Cạp) là sao đỏ rực. Rigel (trong Orion) là sao trắng xanh, rất sáng. Betelgeuse (cũng trong Orion) là sao đỏ cam, tương phản rõ ràng với Rigel.
Chuyển động, vị trí của chòm sao trên bầu trời theo mùa
Mỗi chòm sao xuất hiện vào những thời điểm khác nhau trong năm. Vì Trái Đất quay quanh Mặt Trời, các chòm sao sẽ xuất hiện ở các vị trí khác nhau vào những tháng khác nhau.
Người cổ đại quan sát bầu trời đêm và ghi nhận rằng một số chòm sao chỉ xuất hiện vào mùa có thời tiết lạnh, một số vào mùa thời tiết rất nóng, nhưng một số chòm sao có thể nhìn thấy quanh năm.
Ví dụ Orion xuất hiện rõ ràng vào mùa thời tiết lạnh, Cygnus xuất hiện vào mùa thời tiết nóng, chòm Đại Hùng (Ursa Major) có thể thấy suốt cả năm ở Bắc Bán Cầu.
Người Ấn Độ cổ đã dùng Nakshatra (27 tinh tú) để theo dõi vị trí Mặt Trăng mỗi đêm. Họ nhận thấy rằng Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh đều di chuyển dọc theo một đường cố định trên bầu trời, gọi là hoàng đạo (Ecliptic).
Cách quan sát chòm sao cổ đại là dùng các điểm tham chiếu như sao Bắc Cực, Mặt Trời, Mặt Trăng, hành tinh quy ước nào đó. Người cổ đại dùng sao Bắc Cực (Polaris) để xác định phương hướng. Con người đã dùng nó rồi xác định các chòm sao khác dựa vào vị trí của nó như một điểm tựa.
Mặt Trăng đi qua hoàng đạo và Nakshatra mỗi đêm, giúp người Ấn Độ theo dõi lịch và các chòm sao.
3. Đặc điểm của chòm sao Visākhā Nakshatra
(Hình ảnh mô phỏng chòm sao Visākhā)
Visākhā nằm ở đâu trên bầu trời?
Visākhā Nakshatra nằm giữa hai chòm sao Thiên Bình (Libra) và Bọ Cạp (Scorpio) trong hệ thống sao phương Tây. Nó bao gồm hai sao chính: Alpha Librae (Zubenelgenubi) và Beta Librae (Zubeneschamali), cùng với một phần của Antares (Alpha Scorpii).
Hình dạng của chòm sao Visākhā
Chòm sao này thường được mô tả là hai ngôi sao sáng nằm gần nhau, trong chiêm tinh học Vệ Đà được diễn giải giống là “cổng vòm”, “hai nhánh cây kết hợp lại” hay “cánh cổng đôi”. Trong truyền thống Ấn Độ, chòm sao này được liên kết với hình ảnh của sự chuyển hóa và tái sinh.
Màu sắc đặc trưng của chòm sao Visākhā
Zubenelgenubi và Zubenes-chamali có màu trắng, xanh nhạt, tạo cảm giác nhẹ nhàng, giống như màu của bầu trời xanh êm dịu, không có giông tố. Antares có màu đỏ rực, làm điểm nhấn đặc biệt trong chòm sao này.
Sự kết hợp của các sao xanh, trắng và đỏ tạo nên một sự tương phản độc đáo, có thể liên tưởng đến sự kết hợp giữa lửa và nước, ánh sáng và bóng tối mang biểu tượng của sự chuyển hóa.
4. Sự quy ước thời gian của người Ấn Độ cổ đại
Nakshatra là hệ thống 27 (hoặc 28) chòm sao được người Ấn Độ cổ dùng để theo dõi chuyển động của Mặt Trăng dọc theo hoàng đạo (con đường Mặt Trời đi qua trên bầu trời).
(27 chòm sao Nakshatra theo đạo người Hindu)
Đây là một hệ thống thiên văn học Vệ Đà, chia hoàng đạo thành 27 phần bằng nhau, mỗi phần dài 13°20’ trên bầu trời. Nakshatra không phải là một chòm sao đơn lẻ, mà là một cụm sao hoặc một khu vực trên hoàng đạo.
Nakshatra dễ thấy nhất vào ban đêm, khi không bị ánh sáng Mặt Trời làm mờ.
Người Ấn Độ cổ quan sát vị trí Mặt Trăng khi nó đi qua các khu vực sao này, từ đó biết tháng nào trong năm. Mặt Trăng mất khoảng 27,3 ngày để quay hết một vòng quanh Trái Đất, mỗi ngày nó sẽ đi qua một Nakshatra mới. Vào ngày trăng tròn, Mặt Trăng xuất hiện gần Nakshatra nào nhất thì tháng đó được đặt theo tên Nakshatra đó.
Ngày nay, người Ấn Độ vẫn sử dụng hệ thống Nakshatra để tính lịch, bói toán và làm nghi lễ tôn giáo. Do hiện tượng tiến động của trục Trái Đất, vị trí biểu kiến của chúng đã dịch chuyển một chút so với thời cổ đại, nhưng vẫn có thể xác định được.
Ấn Độ cổ có sự quy ước 1 năm thành 12 tháng nhưng không hoàn toàn giống hệ thống 12 tháng hiện đại. Lịch Ấn Độ cổ là lịch Âm - Dương, nghĩa là tháng được tính theo chu kỳ Mặt Trăng (29,5 ngày/tháng). Một năm có 12 tháng âm lịch (~354, 355 ngày), nhưng vì nó ngắn hơn Dương lịch (365 ngày), cứ khoảng 2,7 năm, họ sẽ thêm một tháng nhuận để bù vào. Hệ thống này giúp đảm bảo các tháng vẫn khớp với mùa trong năm.
Lịch Ấn Độ cổ là lịch Âm - Dương, không phải lịch Âm thuần túy và cũng không phải lịch Dương hoàn toàn. Lý do nó được gọi là lịch Âm - Dương vì hệ thống tính toán này dựa trên cả chu kỳ Mặt Trăng và sự di chuyển của Mặt Trời trên hoàng đạo.
Phần II. Tính biểu tượng của Visakha trong tôn giáo và sự liên kết với Phật giáo
1. Ý nghĩa của chòm sao Visākhā với người dân Ấn Độ cổ đại
Chòm sao Visākhā Nakshatra không chỉ đơn thuần là một tập hợp sao trên bầu trời, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, đời sống và tôn giáo của người Ấn Độ cổ đại. Nó gắn liền với chu kỳ thiên nhiên, mùa màng, nghi lễ tôn giáo, và triết lý tâm linh.
Ý nghĩa thiên văn và đời sống
Chòm sao này gắn liền với điểm mốc của mùa chuyển hóa trong nông nghiệp. Visākhā xuất hiện rõ ràng vào khoảng tháng 4 - 5 Dương lịch, đánh dấu giai đoạn cuối mùa khô và chuẩn bị chuyển sang mùa mưa, với một nền văn minh phụ thuộc vào nông nghiệp, đây là thời điểm cực kỳ quan trọng: thời điểm gieo trồng mùa vụ mới, chuẩn bị đón mưa, đánh dấu sự sinh trưởng và tái tạo sau một thời gian khô hạn, cầu nguyện cho mùa màng bội thu, tránh thiên tai và hạn hán.
Visākhā tượng trưng cho sự thay đổi mạnh mẽ, từ khô cằn sang tràn đầy sức sống, một biểu tượng sâu sắc trong thiên nhiên và tôn giáo. Nhiều nghi lễ quan trọng của Ấn Độ cổ diễn ra vào tháng Visākha, bao gồm các lễ hội liên quan đến thần mưa và nông nghiệp. Người Ấn Độ cổ coi thời gian của Visākhā là lúc vạn vật thay đổi, con người cũng phải thích nghi và chuyển hóa theo.
2. Từ tư tưởng Ấn Độ cổ đến Phật giáo
Tính biểu tượng về sự chuyển hóa, tươi đẹp trong tư tưởng Ấn Độ cổ về chòm sao này tiếp tục ảnh hưởng đến Phật giáo. Sự gắn liền của Visākhā với tinh thần tâm linh không phải ngẫu nhiên, không phải do Phật giáo sinh ra, mà xuất phát từ chính bản chất của thiên văn, chu kỳ tự nhiên, niềm tin cổ đại và gắn vào các nền tôn giáo sau này.
Hình ảnh được tạo bởi AI
Việc chòm sao này được Phật giáo sử dụng như một dấu mốc quan trọng không phải do sự tạo dựng chủ quan, mà vì nó đã có sự liên hệ sâu sắc với tư tưởng chuyển hóa lâu đời, ăn sâu vào niềm tin con người Ấn Độ, sau đó được duy trì và phát triển trong bối cảnh Phật giáo.
Vì sao Visākhā có tính biểu tượng?
Người Ấn Độ cổ không chỉ quan sát thiên nhiên mà còn xây dựng triết lý vũ trụ dựa trên chu kỳ biến đổi của sự vật. Ngay từ giai đoạn văn minh sông Ấn, người Ấn cổ đã có bộ phận lớn không màng tới vật chất, phù hoa của cuộc sống, họ chỉ quan tâm tới ý niệm giải thoát, sẵn sàng từ bỏ tất cả để vào rừng, hoặc đi theo một vị thầy tâm linh. Có thể nói, một bộ phận bị ám ảnh bởi hình ảnh trừu tượng về sự tái sinh, chuyển hóa, giác ngộ.
Visākhā tạo nên hình ảnh liên tưởng tới “cánh cổng đôi” (dwi- mukha). Hình tượng này mang nhiều ý nghĩa tùy thuộc vào sự suy tưởng cá nhân mỗi người, tuy nhiên cách giải nghĩa được sử dụng nhiều nhất vẫn là đại diện cho 2 con đường: một là, con đường cũ, hai là, con đường mới vượt thoát khổ đau.
Quan niệm này có từ thời Vệ Đà, khi mọi thứ trong vũ trụ đều vận hành theo chu kỳ tái sinh. Visākhā được kinh điển Vệ đà mô tả liên hệ với thần Indra (thần Mưa giông, bão tố) và Agni (thần Lửa).
Visākhā xuất hiện khi mùa khô đạt đỉnh và sắp có mưa. Trong hệ thống thiên nhiên của Ấn Độ, mưa là sự giải thoát khỏi cái nóng thiêu đốt, và trước khi có mưa, cần có sự thanh lọc của lửa. Thần Indra là vị thần của bão tố, mang mưa đến sau khi chiến thắng quỷ dữ. Thần Agni là vị thần của lửa, đốt cháy để thanh tẩy mọi thứ trước khi mùa mưa đến. Visākhā thể hiện sự tương tác giữa hai sức mạnh này: sự kết thúc của lửa (Agni) và sự khởi đầu của mưa (Indra).
Trong Rig Veda mô tả, Indra và Agni như hai lực lượng bổ trợ nhau, một vị thần mang mưa, một vị thần giữ lửa thiêng. Hai vị thần song hành cũng như mỗi vị đang đứng ở một cánh cổng tạo thành cánh cổng đôi.
Nếu Visākhā đã có tính biểu tượng chuyển hóa từ trước thời đức Phật, thì việc được gắn với Phật giáo sau này không phải là sự sáng tạo mới, mà là sự tiếp nối tự nhiên.
Phật giáo không tạo ra biểu tượng của Visākhā, mà kế thừa một tư tưởng đã có sẵn trong văn hóa Ấn Độ. Visākhā đã được xem như dấu mốc của sự chuyển hóa mạnh mẽ từ thời Vệ Đà và Phật giáo cũng là một tôn giáo đặt trọng tâm vào sự chuyển hóa tâm thức. Những tư tưởng cốt lõi của Phật giáo đều phù hợp với ý nghĩa biểu tượng của Visākhā.
3. Lý do tháng Vesākha được chọn mà không phải tháng khác
Biểu tượng các tháng theo lịch cổ Ấn Độ
(1). Chaitra (चैत्र): Hoa Ashoka (Saraca indica). (2). Vaisá̄kha (वैशाख): Cổng vòm đôi. (3). Jyestha (ज्येष्ठ): Vòng xoáy nước, biểu tượng của sự thử thách. (4). Āsātha (आषाढ़): Những đám mây đen, báo hiệu mùa mưa lũ, giông gió, thường được gắn với thần Gió Vayu. (5). Śrāvana (श्रावण): Giọt nước rơi trên lá sen. (6). Bhādrapada (भाद्रपद): Con cá, tượng trưng cho sự di chuyển và đi lại liên tục. (7). Āśvina (आश्विन): Chiếc xe ngựa, biểu tượng của hành trình tâm linh, khám phá. (8). Kārttika (कार्तिक): Ngọn đèn dầu. (9). Mārgasí̄rsa (मार्गशीर्ष): Dấu chân, gắn với những giáo lý quan trọng trong Bhagavad Gita, con đường của trí tuệ. (10). Pausa (पौष): Ngọn lửa. (11). Māgha (माघ): Vương miện, tượng trưng cho sự tôn vinh. (12). Phālguna (फाल्गुन): Cây đàn vina, biểu tượng của nghệ thuật và cái đẹp, sáng tạo.
Trong hệ thống 12 tháng của lịch cổ Ấn Độ, mỗi tháng gắn với một biểu tượng đặc trưng, phản ánh những giá trị tinh thần, tự nhiên và chu kỳ vũ trụ. Tuy nhiên, chỉ có Vaisá̄kha với biểu tượng cổng vòm đôi là phù hợp nhất để gắn liền với Phật giáo, vì thể hiện một cách hoàn hảo hình tượng chuyển hóa và chiến thắng tâm linh.
Hoa Ashoka dù biểu tượng gắn với sự khởi đầu, nhưng thiên về sự tươi mới và khởi động một chu kỳ mới hơn là giác ngộ. Phật giáo không nhấn mạnh vào sự tái sinh trong vòng luân hồi, mà hướng đến sự giải thoát khỏi chu kỳ này.
Vòng xoáy nước mang ý niệm của thử thách và khó khăn. Mây đen biểu thị mùa mưa, không mang ý nghĩa chiến thắng tinh thần của trí tuệ. Giọt nước trên lá sen dù liên quan đến sự tinh khiết, nhưng chỉ mang tính tĩnh lặng và thiền định, chưa đủ để đại diện cho toàn bộ quá trình giác ngộ của đức Phật. Cá liên quan đến sự vận động và thay đổi mang tính trần tục hơn là tâm linh. Chiếc xe ngựa tượng trưng cho hành trình gắn với sự di chuyển vật lý hơn là hành trình nội tâm. Ngọn đèn dầu phản ánh sự xua tan bóng tối, nhưng lại gắn với thắng lợi của thần Vishnu hơn là Phật giáo.
Không một biểu tượng nào trong các tháng khác thể hiện đầy đủ cả hành trình, sự chiến thắng nội tâm và giác ngộ như Vaisá̄kha.
Trong truyền thống Ấn Độ cổ, Vaisá̄kha gắn với chiến thắng trên cả hai phương diện: vật chất và tinh thần. Đức Phật đạt giác ngộ cũng là chiến thắng tối thượng trước vô minh và tham ái. Vaisá̄kha vốn dĩ được xem là tháng của tôn giáo và giác ngộ trong Ấn Độ cổ. Đây là thời điểm diễn ra Akshaya Tritiya, ngày bất hoại và may mắn nhất trong năm, khi mọi công đức được thực hiện trong tháng này sẽ có kết quả vô hạn. Tháng Vaisá̄kha cũng được coi là thời điểm thuận lợi nhất cho việc tìm kiếm tri thức tâm linh trong truyền thống Bà La Môn giáo.
Hệ thống chiêm tinh học Vệ Đà xem chòm sao Visá̄khā như một điểm mốc của sự chuyển hóa nội tâm, vô minh đến trí tuệ, điều trùng khớp với triết lý Phật giáo. Vaisá̄kha không phải ngẫu nhiên được chọn cho Vesak, nó vốn đã có một vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Ấn Độ cổ, liên quan chặt chẽ đến niềm tin. Đây là một sự tiếp nối tự nhiên từ tư tưởng con người Ấn Độ cổ.
Phần III. Vesak có thực sự gắn với cả ba sự kiện: Đản sinh, Thành đạo, nhập Niết bàn hay chỉ là sự quy ước về sau?
Sự thiếu vắng dữ kiện lịch sử xác đáng
Ngày nay, Vesak được xem là một ngày lễ quan trọng bậc nhất trong Phậtgiáo, kỷ niệm basự kiện lớn trong cuộc đời đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn. Điều này đã trở thành một truyền thống chung của Phật giáo toàn cầu.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu cả ba sự kiện này thực sự xảy ra vào ngày trăng tròn tháng Vesākha, hay đây chỉ là một quy ước được hình thành về sau?
Không có cụ thể bài kinh bằng tiếng Pali gốc hay tài liệu lịch sử có tính khảo cứu nào khẳng định đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập diệt vào trăng tròn tháng Vesākha. Một số kinh chỉ nói rằng các vị Bồ - tát hoặc các vị A - la - hán thường đản sinh, giác ngộ hoặc nhập Niết bàn vào trăng tròn. Thông thường trong các tài liệu văn thơ, truyền miềng, hoặc là những chú giải về sau, không phải từ kinh gốc. Thực tế thì khi chúng ta tìm hiểu về ngày Phật đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn khi nào, các tài liệu đa phần thuộc về tính thống nhất của một sự kiện được quốc tế công nhận nhiều hơn.
Quá trình hình thành truyền thống lễ hội Vesak
Các chú giải Theravāda sau này, như trong Atthakatha và Mahāvansa (biên niên sử Sri Lanka), đã bổ sung thêm ý nghĩa cho Vesak, dần dần đưa cả ba sự kiện vào. Như vậy, việc gộp ba sự kiện vào Vesak không phải là sự kiện lịch sử cố định có ngay từ ban đầu, mà là sự diễn tiến của thời gian.
Phần IV. So sánh cách quy ước thời gian với các nền văn minh đương thời khác
1. Lịch Ai Cập
Lịch Ai Cập là lịch dương hoàn toàn, dựa trên chu kỳ của mặt trời. Không giống như lịch Ấn Độ, lịch Ai Cập không quan tâm đến chu kỳ mặt trăng mà chủ yếu theo dõi sự mọc trở lại của sao Sirius, đánh dấu thời điểm lũ sông Nile bắt đầu. Điều này giúp người Ai Cập dự đoán mùa lũ, rất quan trọng đối với nông nghiệp.
Khoảng tháng 4 - 5 Dương lịch, người dân Ai Cập tổ chức lễ hội Shemu đánh dấu mùa thu hoạch, là thời điểm người Ai Cập thực hành các nghi lễ tạ ơn các vị thần đã ban cho họ mùa màng bội thu.
2. Lịch Lưỡng Hà
Lịch Lưỡng Hà là lịch âm dương, tương tự như Ấn Độ nhưng có cách điều chỉnh khác. Một năm có 12 tháng âm lịch, mỗi tháng 29 hoặc 30 ngày. Để giữ đồng bộ với năm mặt trời, cứ vài năm người Babylon sẽ thêm một tháng nhuận.
Khác với Ấn Độ, họ không dựa vào Nakshatra mà sử dụng chu kỳ trăng tròn và trăng non để theo dõi thời gian.
Tại nền văn minh này, thời điểm tháng 4 - 5 dương lịch, sẽ diễn ra lễ hội Akitu, đánh dấu năm mới và tôn vinh thần Marduk, vị thần bảo trợ của thành Babylon. Đây là dịp để cầu mong mùa màng bội thu và sự thịnh vượng cho cộng đồng.
3. Lịch Trung Quốc
Lịch Trung Quốc cũng là hệ thống lịch âm dương, sử dụng chu kỳ mặt trăng để xác định tháng nhưng kết hợp với 24 tiết khí theo mặt trời để điều chỉnh thời gian theo mùa. Mỗi năm có 12 hoặc 13 tháng tùy theo việc thêm tháng nhuận. Lịch Trung Quốc không dựa vào Nakshatra mà dựa vào hệ thống Nhị Thập Bát Tú, tức 28 chòm sao nằm dọc theo đường đi của mặt trăng trên bầu trời. Điều này giúp phân chia thời gian một cách chính xác cho nông nghiệp và nghi lễ triều đình.
Tiết lập hạ diễn ra vào đầu tháng 5 dương lịch đánh dấu sự bắt đầu của mùa hè, là thời điểm quan trọng trong nông nghiệp, khi người dân chuẩn bị cho vụ mùa mới.
4. Lịch Hy Lạp
Lịch Hy Lạp cổ đại là lịch âm dương, sử dụng chiêm tinh học để xác định thời gian, nhưng không có hệ thống tương đương với Nakshatra của Ấn Độ.
Người dân Hy Lạp có lễ hội Thargelia, tổ chức vào tháng 5 dương lịch, có nét tương đồng với các lễ hội mùa màng ở Ấn Độ vì cũng đánh dấu sự chuyển mùa và gắn với nghi thức thanh tẩy cộng đồng.
5. Các nền văn minh đều có lễ hội tương ứng thời điểm chòm sao Visākhā xuất hiện
Các nền văn minh tuy khác nhau, họ căn cứ vào các chủ thể khác nhau để quy ước thời gian, nhưng chúng ta có thể thấy rằng họ đều có những lễ hội hoặc sự kiện diễn ra tại thời điểm chòm sao Visākhā xuất hiện.
Ngày nay, ngoài Đại lễ Vesak của Phật giáo, người theo đạo Hindu cũng tổ chức một số lễ hội quan trọng như Akshaya Tritiya diễn ra vào ngày thứ ba của nửa đầu tháng Vaisá̄kha. Akshaya Tritiya được coi là một trong những ngày thiêng liêng nhất trong lịch Hindu. Từ “Akshaya” có nghĩa là “không bao giờ suy giảm”, biểu thị sự thịnh vượng và may mắn vĩnh cửu. Người theo đạo Hindu tin rằng mọi việc làm tốt, đầu tư hoặc bắt đầu kinh doanh vào ngày này sẽ mang lại kết quả tích cực và lâu dài.
Cùng ngày này còn có sự kiện Parashurama Jayanti, người dân kỷ niệm ngày sinh của Parashurama, hóa thân thứ sáu của thần Vishnu, được coi là chiến binh Brahmin, người đã tiêu diệt các Kshatriya tham lam và bảo vệ đạo đức.
Hay như lễ hội Ganga Saptami diễn ra vào ngày thứ bảy của nửa đầu tháng Vaisá̄kha. Lễ hội này kỷ niệm ngày nữ thần sông Hằng (Ganga) xuống trần gian. Người đạo Hindu tắm trong sông Hằng hoặc các con sông thiêng khác để thanh tẩy tội lỗi và cầu nguyện cho sự bình an, thịnh vượng.
Những lễ hội trên và những sự kiện ở cả các nền văn minh khác cho thấy rằng tháng Vaisá̄kha không phải là một tháng thuộc về riêng bất kỳ tôn giáo hay nền văn minh nào, mà là kết quả của sự quan sát thiên văn và tự nhiên của con người từ thời cổ đại. Thời điểm chòm sao Visá̄khā xuất hiện rõ rệt, cũng là lúc con người nhận thấy sự biến đổi của khí hậu, mùa màng và chu kỳ sống của muôn loài.
Đây là thời điểm gợi lên trong tâm thức con người những mong ước, khát vọng mới. Thời điểm này không tự nhiên trở thành một giai đoạn quan trọng chỉ vì lý do tôn giáo, mà chính vì nó đánh dấu một bước ngoặt trong dòng chảy của tự nhiên mà con người buộc phải trải qua, thích nghi và thậm chí thánh hóa nó. Những nền văn minh khác nhau, dù cách biệt về địa lý, cũng đều cảm nhận được những thay đổi của môi trường để điều chỉnh nhịp sống của mình, để từ đó hình thành nên các nghi lễ và tín ngưỡng mang tính đặc trưng văn hóa.
Cốt lõi vẫn là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, với chu kỳ vận hành của trời đất. Bất kỳ tháng nào trong các hệ thống lịch cổ đại đều phản ánh sự liên kết sâu sắc giữa con người với môi trường sống, giữa sự quan sát khoa học sơ khai và những gì dần trở thành truyền thống tinh thần.
Lời kết
Vesak ngày nay không đơn thuần là một sự kiện lịch sử, mà là một quy ước tôn giáo được hình thành qua thời gian, mang ý nghĩa tâm linh và biểu tượng sâu sắc. Là ngày lễ hội tâm linh cao nhất trong Phật giáo, phản ánh tinh thần, lòng mộ đạo của những người phật tử. Sự kết hợp ba sự kiện quan trọng trong đời đức Phật là điều thiết thực, đánh dấu một sự kiện nổi bật trong năm.
Vesak là ngày hội của cộng đồng phật tử trên thế giới, giúp duy trì truyền thống, gắn kết các quốc gia Phật giáo. Là cơ hội đem tinh thần và nét đẹp của Phật giáo tới cả cộng đồng nhân loại, xứng tầm là ngày lễ hội tôn giáo được Liên hợp quốc tôn vinh và kỷ niệm trên phạm vi toàn cầu.
Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2025
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Vishakha Nakshatra - Characteristics, Padas, Facts and More, VedShastra.com – Sourse of Indian Vedic Astrology.
2. Vishakha Nakshatra: A Complete Horoscope, Lucas Vanderlinden, December 11, 2023, Popular Vedic Science.
3. Vishakha Nakshatra - Explore Important Areas of Your Life, GaneshaSpeaks.com.
4. “Happy Vesak Day: An insight into the history of Buddhism and the Vesak celebration”, University of Brighton, 2024.
5. Signifi ance of Vesak, K. N. Jayatilleke, Buddhist Publication Society, 2007.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chom-sao-vesak-va-su-quy-uoc-thoi-gian-an-do-co-dai.html