Trong 2 năm qua, bên cạnh cuộc xung đột ở Gaza và việc tăng cường các hoạt động chiếm đóng ở Bờ Tây, Israel đã phát động các cuộc tấn công vào Iran, Lebanon, Syria và Yemen. Cuộc tấn công gần đây nhất nhằm vào Syria được tiến hành trong tuần trước, thậm chí nhắm tới cả Bộ Quốc phòng của nước này. Israel đưa ra lý do cho các cuộc tấn công, chủ yếu là để bảo vệ cộng đồng người Druze thiểu số ở Syria. Lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã có hiệu lực nhưng vẫn cần phải chờ xem liệu nó có duy trì được hay không.
Ảnh minh họa: Al Jazeera
Tại Lebanon, Israel tuyên bố các hành động tấn công là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Hezbollah. Còn với Iran, Israel cho rằng chiến dịch quân sự của họ là nhằm ngăn chặn tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này. Ở Yemen, Israel nói rằng các cuộc không kích là phản ứng trước các đợt tấn công từ lực lượng Houthi.
Ưu tiên sức mạnh
Lập luận của Israel là tất cả các cuộc xung đột đều cần thiết bởi họ đang chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn mà họ buộc phải thắng. Theo một số nhà quan sát, ít nhất là với chính phủ cực hữu hiện nay, Israel dường như không quan tâm việc các nước láng giềng có thích họ hay không. Điều họ quan tâm là các nước trong khu vực phải sợ họ.
Là lực lượng quân sự mạnh nhất trong khu vực, được hậu thuẫn bởi quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới, Israel tin rằng họ có thể hành động gần như không giới hạn.
Giới phân tích nhận định, Israel đang tận dụng sự suy yếu của trật tự quốc tế và thời kỳ biến động trong cách thế giới vận hành, đặc biệt khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump chuyển sang chính sách đối ngoại mang tính “giao dịch”.
Các nước phương Tây trước đó đã cố gắng duy trì khái niệm về một trật tự quốc tế tự do, nơi các thể chế như Liên Hợp Quốc đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được tuân thủ. Nhưng một số ý kiến cho rằng, các hành động của Israel trong nhiều thập kỷ qua khiến việc duy trì hình thức đó ngày càng khó khăn.
Lợi dụng khoảng trống quyền lực
Ngay cả những người ủng hộ hành động của Israel trong 2 năm qua cũng cho rằng những dự đoán về hậu quả tiêu cực đã không trở thành hiện thực. Mối đe dọa lớn nhất được cho là "Trục kháng chiến" do Iran dẫn đầu và nhiều ý kiến cho rằng các quốc gia và lực lượng trong trục này sẽ phản công mạnh mẽ nếu Israel đi quá xa. Tuy nhiên, dù Israel có leo thang, Iran và các đồng minh trong nhiều trường hợp lại chọn phản ứng lùi bước để tránh nguy cơ bị tàn phá toàn diện.
Iran đúng là đã tấn công Israel theo cách chưa từng có nhưng những kịch bản tồi tệ nhất đã không xảy ra và cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel cuối cùng chỉ kéo dài 12 ngày mà không dẫn đến một cuộc chiến khu vực trên diện rộng.
Tại Lebanon, Israel thậm chí còn thu được kết quả khả quan hơn. Sau chiến dịch không kích và tấn công trên bộ rầm rộ vào năm ngoái, Hezbollah đã mất thủ lĩnh biểu tượng Hassan Nasrallah cùng phần lớn năng lực quân sự cũng như ảnh hưởng trong nội bộ Lebanon. Ít nhất là trong ngắn hạn, lực lượng này không còn là mối đe dọa lớn với Israel.
Israel dường như tin rằng việc làm suy yếu các nước láng giềng sẽ có lợi cho họ. Cũng giống như trong trường hợp của Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng, họ cảm thấy không cần thiết phải đưa ra một kịch bản kết thúc hay kế hoạch cho tương lai.
Thay vào đó, như những gì Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thực hiện, Israel có thể duy trì tình trạng hỗn loạn càng xa biên giới càng tốt, miễn là vẫn giữ được an ninh bên trong đất nước. Tuy nhiên, tình hình hiện tại ở Syria là minh chứng đáng chú ý cho thấy điều gì có thể xảy ra khi sự tự tin thái quá của Israel đi quá giới hạn.
Ông Netanyahu khẳng định rằng khu vực phía Nam Damascus của Syria phải được phi quân sự hóa. Lập luận đầu tiên của ông là điều này sẽ đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Druze với hàng nghìn người trong số họ cũng đang sống tại Israel và đã yêu cầu Israel bảo vệ những người anh em của họ sau các vụ bạo lực giữa lực lượng Bedouin và quân chính phủ Syria. Lập luận thứ hai mà Israel đưa ra là chính quyền mới ở Syria không thể tin tưởng được vì các lãnh đạo mới từng có liên hệ với các nhóm như al-Qaeda.
Sau các cuộc không kích của Israel và một phần sức ép từ phía Mỹ, Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa đã đồng ý rút lực lượng chính phủ khỏi tỉnh Suwayda - nơi có đa số người Druze vào 17/7, đồng thời cảnh báo rằng dù Israel “có thể bắt đầu một cuộc chiến” nhưng “không dễ để kiểm soát hậu quả của nó”.
Chiến lược của Israel có phản tác dụng?
Trên thực tế, các hành động của Israel tại Syria có thể khiến nước này ngày càng bị cô lập ở khu vực và gây lo ngại đối với những quốc gia từng được coi là đồng minh tiềm năng. Saudi Arabia đã thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền mới ở Syria và hành vi của Israel càng củng cố quan điểm của Riyadh, đặc biệt sau chiến dịch ở Gaza, rằng bất kỳ thỏa thuận Abraham nào nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel đều khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.
Đối với nhiều nước Trung Đông, đặc biệt là ở vùng Vịnh, việc Israel chiếm ưu thế, nhất là dưới chính phủ cực hữu hiện tại, đồng nghĩa với chiến tranh, hỗn loạn và đe dọa an ninh. Những lợi ích quân sự ngắn hạn của Israel có nguy cơ gây ra hệ quả nghiêm trọng ở nơi khác.
Năng lực quân sự của Iran có thể đã bị tổn hại nặng nề trong cuộc chiến với Israel nhưng Tehran nhiều khả năng sẽ chuyển hướng chiến lược nhằm làm suy yếu Israel theo các cách khác, đồng thời tăng cường phòng thủ và có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo hiện tại của Israel dường như không quá quan tâm đến quan điểm của các nước trong khu vực, miễn là họ vẫn có được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là về lâu dài Israel sẽ không phải đối mặt với hậu quả, cả về ngoại giao và an ninh.
Ngay trong nội bộ, các cuộc chiến liên miên, dù diễn ra ngoài lãnh thổ, cũng không thể mang lại cảm giác an toàn bền vững cho người dân. Tỷ lệ quân nhân dự bị phản hồi các lệnh triệu tập được cho là đang giảm. Trong một quốc gia mà phần lớn lực lượng quân sự là quân dự bị, những người có công việc, gia đình và cuộc sống riêng, sẽ rất khó để duy trì trạng thái quân sự thường trực lâu dài.
Điều này đã góp phần làm gia tăng chia rẽ trong nội bộ Israel, giữa một bên là phe chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn dùng vũ lực để áp đặt và buộc khu vực phải chấp nhận hiện trạng với một bên là phe ôn hòa hơn, lo ngại nguy cơ bị cô lập quốc tế và cấm vận.
Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn và phe cực hữu vẫn chiếm ưu thế, Israel có thể tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự và sự hậu thuẫn từ Mỹ để đạt được kết quả ngắn hạn. Nhưng với sự hỗn loạn xung quanh, Israel đang "gây thù chuốc oán" với các nước láng giềng và đánh mất sự ủng hộ từ các đồng minh truyền thống, ngay cả ở Mỹ - nơi sự ủng hộ công chúng cho Israel đang suy giảm.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Al Jazeera