Đứng trước ngưỡng phải chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp để thích nghi với sự phát triển của thị trường lao động hiện nay, thay vì chọn đầu tư phát triển và nâng cao tay nghề, để đáp ứng nhu cầu tài chính tức thời, người lao động lại có xu hướng rời doanh nghiệp, chọn làm tự do.
Xu hướng này đặt ra thách thức lớn về tính bền vững trong việc phát triển nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng của người lao động, đồng thời cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tuyển dụng lao động.
Thời gian linh động, kiếm được tiền ngay
Từng là nhân viên kỹ thuật tại một công ty cơ khí trong 6 tháng, anh Nguyễn Văn Thất (ngụ TP Thủ Đức) cho biết tiền lương từ công ty không đủ để anh trang trải cuộc sống. Đã vậy, để phát triển và có thu nhập cao hơn, anh Thất buộc phải chi tiền đầu tư cho việc học.
“Một phần vì tôi chỉ mới tốt nghiệp cao đẳng, phải học thêm lên đại học, nhưng hiện tại kinh tế không cho phép. Để phụ giúp gia đình, tôi chạy xe công nghệ sau mỗi chiều đi làm về để kiếm thêm.
Công việc này rất linh hoạt, thậm chí, nếu mọi thứ ổn định, tôi có thể nghỉ việc tại công ty và chuyển hẳn sang chạy xe công nghệ” - anh Thất nói và nhận định rằng việc học thêm tốn nhiều thời gian và chi phí, trong khi chạy xe công nghệ anh có thể kiếm được tiền ngay.
Người lao động có xu hướng muốn làm tự do nhiều hơn là vào doanh nghiệp. Ảnh minh họa: HẢI NHI
Tương tự, anh Phùng Bá Long (TP Thủ Đức) cho hay: “Tôi từng làm công nhân tại một doanh nghiệp về điện tử. Lương 5 triệu không đủ để lo cho gia đình. Ba năm trước, tôi quyết định chuyển hướng và gia nhập lực lượng xe công nghệ, dù phải làm việc đến khuya nhưng tôi vẫn cảm thấy thoải mái và chủ động hơn trong cuộc sống của mình" - anh Long chia sẻ.
Làm công ty gần 9 năm với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, anh Nam (quê Cần Thơ) cho biết anh phải chạy xe công nghệ vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập.
Tôi cũng biết thời buổi bây giờ nếu không cập nhập kỹ năng hoặc học thêm các khóa đào tạo cũng khó trụ nổi trong doanh nghiệp. Buổi tối, tôi chạy xe còn kiếm thêm được chút đỉnh chứ đi học vừa tốn kém, vừa lo mình bị đào thải” - anh Nam bày tỏ.
Gỡ thế khó cho người lao động và doanh nghiệp
Tại buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp ở TP.HCM” diễn ra mới đây, ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết việc chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp hiện nay đang trở thành một yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: HẢI NHI
Để thuận lợi, chìa khóa nằm ở hai yếu tố chính là doanh nghiệp và người lao động. Hai bên cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo vấn đề việc làm và an sinh xã hội – mục tiêu kép quan trọng.
“Doanh nghiệp đang đối mặt với tuyển dụng lao động phổ thông nhưng lại khó khăn trong việc nâng cao kỹ năng cho họ. Nhiều người lao động không sẵn sàng tham gia đào tạo do rào cản tài chính, gia đình, hoặc do họ đã quen với các công việc có thu nhập ổn định ngắn hạn như chạy xe công nghệ.
Điều này gây cản trở cho việc tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng cao và phát triển bền vững trong dài hạn. Do đó, cần có một chiến lược đào tạo cụ thể và hiệu quả, tránh tình trạng đào tạo tràn lan mà không mang lại kết quả” - ông Thành cho hay.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), cho biết để giải quyết bài toán này, việc đào tạo nguồn nhân lực cần phải được triển khai từ trước khi người lao động có việc làm. Sau khi đã vào làm việc, việc bồi dưỡng người lao động chỉ là bước tiếp theo.
Ngoài ra, ông Tuệ cũng đề xuất rằng doanh nghiệp cần tận dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ để đổi mới và nâng cao năng lực.
Cũng trong hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên nhận định: "Cả doanh nghiệp và người lao động đều nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển này không hề đơn giản, vì nó chịu tác động của nhiều yếu tố như toàn cầu hóa, chuyển đổi số và chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Do đó, người lao động phải lựa chọn giữa việc học thêm kỹ năng số, đối diện nguy cơ bị đào thải, hoặc chấp nhận làm những công việc không yêu cầu kỹ năng số. Điều này không chỉ thúc đẩy quá trình đổi mới, mà còn tạo ra những rào cản cho người lao động có kỹ năng hạn chế.
Không tích lũy được quyền lợi hưu trí
Chia sẻ với PLO, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết xu hướng làm tự do phản ánh mong muốn của người lao động được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thoát khỏi các giới hạn cứng nhắc của môi trường văn phòng truyền thống.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: HẢI NHI
“Không làm chủ được thời gian, người lao động sẽ rơi vào tình trạng quá tải và mất kiểm soát. Một số lao động chuyên môn cao, làm việc tự do cho phép họ phát huy năng lực mà không bị giới hạn bởi cấu trúc công ty.
Tuy nhiên, có những cá nhân xem làm việc tự do như cách tránh né trách nhiệm và cam kết dài hạn, dẫn đến sự trì trệ, không đặt mục tiêu phát triển hay các kỹ năng ảnh hưởng đến sự nghiệp trong tương lai” - ông Hải cho hay.
Cũng theo ông Hải, sự dịch chuyển lớn từ lao động truyền thống sang lao động tự do cũng làm giảm tính ổn định của thị trường lao động, tăng tỷ lệ thất nghiệp trá hình khi nhiều người không ổn định, không tham gia vào hệ thống phúc lợi xã hội.
“Hệ quả của tình trạng này làm cho nguồn thu từ bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân bị suy giảm, tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.
Trong dài hạn, nhà nước có thể phải gánh thêm chi phí chăm sóc sức khỏe và an sinh cho lao động tự do khi họ về già, nếu họ không tích lũy được quyền lợi hưu trí” - ông Hải nhấn mạnh.
HẢI NHI