Chọn môn thi - chọn tương lai

Chọn môn thi - chọn tương lai
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa INT.
Dù Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhưng theo kết quả khảo sát của nhiều sở GD&ĐT, đây vẫn là môn được nhiều thí sinh lựa chọn để đăng ký dự thi.
Kết quả khảo sát sơ bộ của một số Sở GD&ĐT như Quảng Nam, Đà Nẵng, TPHCM… cho thấy học sinh thành phố lớn và khu vực có điểm trung bình ngoại ngữ các năm trước cao vẫn có xu hướng chọn môn Ngoại ngữ làm môn tự chọn. Một trong những lý do để môn Ngoại ngữ được phần đông học sinh lựa chọn là do có khoảng 20 tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh cho nhiều lĩnh vực đào tạo, chiếm hơn 40% tổ hợp xét tuyển đại học.
Ở hướng khác, những trường THPT tốp đầu, có điểm trúng tuyển vào lớp 10 cao, học sinh thường có xu thế chọn các môn thuộc khối tự nhiên áp đảo hơn so với môn thuộc khối xã hội. Trong khi đó, với trường THPT thuộc địa bàn miền núi, khu vực nông thôn thì số học sinh chọn môn thuộc khối xã hội chiếm ưu thế.
Kết thúc học kỳ I năm học này, Trường THPT Sơn Trà (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã 2 lần tổ chức thăm dò nguyện vọng chọn môn lựa chọn tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh khối 12. Sự điều chỉnh nguyện vọng chọn môn của học sinh không đáng kể và chênh lệch nhiều giữa các môn thuộc khối tự nhiên và xã hội. Với môn học lần đầu tiên được đưa vào môn lựa chọn để dự thi tốt nghiệp như Kinh tế pháp luật, Tin học, Công nghệ nông nghiệp hay Công nghệ nông nghiệp đều có học sinh lựa chọn, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Trong tư vấn chọn môn đăng ký dự thi tốt nghiệp, Trường THPT Sơn Trà nhấn mạnh học sinh cần kết hợp các yếu tố như phù hợp năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp bản thân. Đây cũng là công thức chung của các trường học khi triển khai tư vấn cho học sinh và phụ huynh vừa trúng tuyển vào lớp 10 khi chọn nhóm môn lựa chọn để đăng ký theo học. Sẽ không có môn dễ, môn khó mà chỉ có môn phù hợp.
Khác với Chương trình GDPT 2006, công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh của Chương trình GDPT 2018 được triển khai sớm, theo định hướng phát triển nghề nghiệp trên cơ sở gắn với thế mạnh ngành nghề địa phương. Vì vậy, kết quả khảo sát lựa chọn môn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT gần như không nằm ngoài dự đoán của ban giám hiệu các trường học.
Trước khi tổ chức khảo sát chọn môn, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) phân tích điểm theo môn thi từng học sinh. Dữ liệu này cùng với việc giáo viên hướng dẫn học sinh xác định chính xác nguyện vọng đăng ký dự thi chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT hay kết hợp sử dụng xét tuyển sinh đại học, cao đẳng để có lựa chọn phù hợp.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phần đông học sinh có mục tiêu tốt nghiệp, sau đó đi học nghề nên môn Công nghệ nông nghiệp được các em lựa chọn chỉ xếp sau môn Lịch sử và Địa lý.
Cùng đó, việc sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học dẫn đến công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay có nhiều thay đổi. Trong đó việc bỏ xét tuyển sớm và nhiều trường đại học có xu hướng bỏ phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) sẽ tác động đến thí sinh trong việc chọn môn thi tốt nghiệp.
Bên cạnh các môn thi bắt buộc, thí sinh cần nghiên cứu kỹ tổ hợp xét tuyển của ngành, trường dự định đăng ký để đăng ký môn thi phù hợp, qua đó tăng cơ hội đăng ký xét tuyển, tránh trường hợp chọn các môn dễ, có thế mạnh để thi tốt nghiệp THPT mà không thể dùng để xét tuyển vào các ngành học mong muốn.
Những thay đổi kể trên sẽ tác động chung đến tất cả thí sinh và trường đại học. Vì vậy, học sinh cần theo dõi kỹ thông tin công bố và chủ động liên hệ với các trường để được tư vấn kỹ về tổ hợp môn, phương thức xét tuyển và chế độ ưu tiên xét tuyển, nếu có. Các trường đại học cần sớm công bố thông tin chính thức và xây dựng kênh tư vấn, hỗ trợ thí sinh.
Hà Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chon-mon-thi-chon-tuong-lai-post716794.html