Chọn phim Việt dự Oscar: Đã đến lúc cần nhìn lại

Chọn phim Việt dự Oscar: Đã đến lúc cần nhìn lại
3 giờ trướcBài gốc
Phim Việt trượt, phim Thái lọt vào danh sách rút gọn
Cách đây vài hôm, Viện Hàn lâm Khoa học nghệ thuật điện ảnh Mỹ công bố danh sách rút gọn (short list) của 10 hạng mục Oscar năm 2025. Trong đó, ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất, bên cạnh nhiều phim của các nền điện ảnh lớn như Anh, Pháp, Italia, Đan Mạch, Brazil..., bộ phim Gia tài của ngoại của điện ảnh Thái Lan đã có mặt trong Top 15.
Năm nay, hạng mục Phim nước ngoài của Oscar nhận được 89 phim từ các quốc gia gửi đến. Việc Gia tài của ngoại (tên tiếng Anh là How to Make Millions Before Grandma Dies) vượt qua hơn 70 bộ phim để đường hoàng có mặt trong danh sách rút gọn của Oscar là khá bất ngờ, nhưng nếu bình tâm suy xét ở mọi khía cạnh thì Gia tài của ngoại hoàn toàn xứng đáng có tên trong short list của Oscar năm nay.
Phim Gia tài của ngoại của Thái Lan lập kỳ tích cho điện ảnh nước này khi lần đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn Oscar - Ảnh: Chụp màn hình
Gia tài của ngoại gây bất ngờ bởi trước đó bộ phim của đạo diễn Pat Boonnitipat chưa từng tham gia bất kỳ liên hoan phim lớn nào của quốc tế (như con đường thông thường của các tác phẩm tranh giải). Bộ phim đến nay mới giành vỏn vẹn 4 giải ở các liên hoan phim không hề tiếng tăm như New York Asian Film Festival, Cambodia International Film Festival, KinoBravo International Film Festival.
Nhưng, kết quả này lại cũng được tán thành, bởi khi công chiếu trong năm vừa qua, bộ phim đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều quốc gia, với cơn mưa lời khen và thành tích phòng vé theo Wikipedia là gần 74 triệu USD (1.850 tỉ đồng).
Gia tài của ngoại là một bộ phim tâm lý đan xen hài vừa gần gũi, bịnh dị vừa sâu sắc, tinh tế. Phim có những tình huống, câu thoại hài hước, tếu táo đồng thời cũng có những phút lắng đọng, cảm động vô cùng. Chinh phục được đông đảo khán giả nên dù không phải thuộc dòng phim arthouse (phim nghệ thuật) mà có hơi hướng một phim thương mại nghiêm túc, phim vẫn được ủng hộ nhiệt liệt khi được công bố lọt vào danh sách rút gọn của Oscar 2025.
Giải Oscar 2025 sẽ còn một vòng công bố đề cử nữa (Top 5 các hạng mục) vào ngày 17.1.2025 trước khi đến lễ trao giải chính thức vào ngày 2.3.2025. Chưa biết liệu phim Gia tài của ngoại có vào Top 5 đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất hay không, nhưng việc được đứng tên danh sách rút gọn top 15 phim đã là một thành tích lớn đối với điện ảnh Thái Lan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan đạt được thành tích này… Trong khi đó, đại diện của Việt Nam - phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn ra về tay trắng.
Chọn Đào, phở và pianolà sai lầm?
Trước đó trong tháng 9.2024, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cho biết đã có 4 phim đăng ký tham dự để được gửi vòng sơ tuyển Oscar, gồm Lật mặt: Một điều ước ( đạo diễn Lý Hải), Mai ( đạo diễn Trấn Thành), Cái giá của hạnh phúc (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm) và Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn).
Lật mặt: Một điều ước và Mai cùng được gửi dự chọn phim đi Oscar nhưng đều bị loại
Lựa chọn của hội đồng chọn phim dự Oscar của Việt Nam đã tạo nên nhiều câu hỏi cho người hâm mộ. Người yêu phim Việt bắt đầu so sánh Đào, phở và piano với hai bộ phim khác cùng gửi dự tuyển là Lật mặt: Một điều ước (đạo diễn Lý Hải) và Mai (đạo diễn Trấn Thành) và cho rằng bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng cho thấy sự kém chất lượng hơn?! Họ cho rằng, mặc dù đây cũng là hai phim thuộc dòng thương mại, không phải đối tượng phim làm ra để hướng đến các giải thưởng điện ảnh danh giá, nhưng Lật mặt 7Mai có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao hơn nhiều so với Đào, phở và piano.
Đào, phở và piano (tên tiếng Anh: Peach Blossom, Pho and Piano) là một bộ phim điện ảnh chiến tranh tuyên truyền Việt Nam năm 2023, thuộc thể loại sử thi lãng mạn do Phi Tiến Sơn viết kịch bản kiêm đạo diễn. Phim được sự đầu tư của Công ty cổ phần Phim truyện 1 theo đơn đặt hàng nhà nước.
Mặc dù bộ phim này từng gây cơn sốt khi phát hành thử nghiệm rồi phát hành thương mại mở rộng vào dịp Tết Nguyên đán 2024 nhưng nhìn nhận nghiêm túc thì đây là một bộ phim chất lượng còn hạn chế. Theo các nhà phê bình điện ảnh thì Đào, phở và piano mới chỉ ngang tầm phim truyền hình 1 tập được đầu tư kinh phí tương đối. Dù vậy, nhiều chi tiết lãng mạn trong bộ phim, thể hiện tinh thần yêu nước, đã được khai thác thành công khiến khán giả bỏ qua hết những điểm yếu trong phim để cảm thông trước một số thông điệp cụ thể mà tác phẩm đem lại.
Trước Đào, phở và piano, nhiều phim Việt khác như Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng, Bố già (đạo diễn Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng), Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ), Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt)… cũng được gửi đi dự vòng sơ tuyển của Oscar... nhưng tất cả đều bị loại ngay từ đầu.
Cần thay đổi tư duy chọn phim dự Oscar
Việc Đào, phở và piano của Việt Nam dừng chân ở vòng sơ loại Oscar 2025 không gây bất ngờ với người hâm mộ điện ảnh trong nước. Nhưng qua sự kiện này, khán giả lại lý do để tiếc nuối cho Lật mặt: Một điều ước của Lý Hải, một phim có chủ đề tương tự với Gia tài của ngoại của Thái Lan. Hai phim cùng đề tài gia đình, tâm lý chính kịch vừa dung dị vừa chân thực, vừa hài hước vừa xúc động. Nếu chọn Lật mặt 7, hay Mai đi dự Oscar, chưa biết chừng Việt Nam cũng có cơ hội lọt vào vòng rút gọn.
Nhưng... Lật mặt 7 Mai chưa phải là sự tiếc nuối lớn nhất của điện ảnh Việt trong việc chọn phim đại diện dự Oscar năm nay.
Trong những phim Việt ra mắt trong khung thời gian hợp lệ của mùa giải Oscar 2025 còn có hai tác phẩm nặng ký là Bên trong vỏ kén vàng (Phạm Thiên Ân) và Culi không bao giờ khóc (Phạm Ngọc Lân).
Hai bộ phim đều là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, đã được ghi nhận trên trường quốc tế bằng những giải thưởng danh giá hàng đầu. Bên trong vỏ kén vàng từng giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cannes và Culi không bao giờ khóc từng nhận giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin.
Bên trong vỏ kén vàng và Culi không bao giờ khóc không có cơ hội "làm nên lịch sử"
Cả hai phim sau đó cũng tham gia hàng chục liên hoan phim lớn nhỏ và nhận thêm nhiều sự vinh danh nữa ở khắp mọi miền thế giới. Khi công chiếu ở quê nhà, dù không gây nên cơn sốt vé (như điều thông thường đối với các phim nghệ thuật, phim độc lập) nhưng đều nhận được sự đón chào và đánh giá tích cực từ giới phê bình và dân mê phim. Nếu được chọn đi dự Oscar, khả năng đi sâu của hai bộ phim này không phải là không có.
Từ hơn 10 năm nay, với sự phát triển của điện ảnh độc lập, các bộ phim gây tiếng vang của Việt Nam trên trường quốc tế đều đến từ khu vực điện ảnh tư nhân. Các nhà làm phim độc lập bền bỉ đi theo con đường dành cho phim nghệ thuật và nỗ lực tự mình chinh phục các giải thưởng quốc tế… Trong khi đó, cung cách lựa chọn phim Việt dự Oscar của Hội đồng tuyển chọn của Cục Điện ảnh vẫn một mình một lối, không “mở lòng” ra để "chọn mặt gửi vàng" đúng tác phẩm giá trị và có tiềm năng.
Không phải chúng ta không có phim hay, không phải chúng ta không đủ tầm dự tranh Oscar, mà có lẽ chúng ta có "điểm nghẽn" trong cơ chế chọn phim.
"Điểm nghẽn" này bao giờ mới được khai thông?
Hoàng Phương Lê
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chon-phim-viet-du-oscar-da-den-luc-can-nhin-lai-227373.html