Chộn rộn đón Tết làng - Tết phố

Chộn rộn đón Tết làng - Tết phố
6 giờ trướcBài gốc
Đà Nẵng sẽ bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Huỳnh Sơn)
Xuân về trên khắp bản làng
Hòa chung không khí đón năm mới của cả nước, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, ý nghĩa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tạo không khí vui tươi, rộn ràng khắp các không gian của “Ngôi nhà chung”.
Theo đó, các hoạt động chủ đề “Xuân về trên bản làng” giới thiệu các hoạt động nô nức đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của các dân tộc.
“Xuân về trên bản làng” bao gồm: “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025”, chương trình dân ca, dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía bắc; tái hiện “Lễ tạ ơn” của dân tộc Dao, chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của các dân tộc Tây Nguyên; “Dựng cây nêu ngày Tết”, “Bữa cơm đoàn viên” của các dân tộc hoạt động tại Làng…
Đặc biệt, ngày 19/1, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra chương trình “Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo” năm 2025. Ban Tổ chức sẽ trao 660 phần quà từ nguồn huy động tài trợ để trao cho các đối tượng chính sách, các hộ khó khăn xã Định Tiến, huyện Yên Định (Thanh Hóa); xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Ba Trại, huyện Ba Vì; Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xóm Muỗi, xã Yên Bài, TX Sơn Tây (Hà Nội) và đồng bào đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Không gian gói bánh chưng tại nhà dân tộc Mường. (Ảnh: Phạm Tiệp)
Ngoài ra, còn có các hoạt động “Vui Tết cổ truyền” tại không gian các làng đồng bào thể hiện phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu các dân tộc: lễ dựng cây nêu ngày Tết Xuân Ất Tỵ 2025, các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới, giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: múa xòe, nhảy sạp, múa rùa… Các hoạt động có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).
Tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), lễ hội Lồng Tồng và Ngày hội Văn hóa các dân tộc sẽ diễn vào ngày 8/2/2025. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Tày, Mông và Dao... thể hiện những giá trị văn hóa sâu sắc. Lễ hội Lồng Tồng được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, cơm áo đầy đủ. Lễ hội tổ chức tại những ruộng được cho là tốt nhất, to nhất. Tại lễ hội sẽ có: tế lễ, rước lễ cây tịnh điền, phát lộc đầu năm, thi chọi dê, thi bắt cá. Đặc biệt, tại đây sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày”.
Pú mo chủ trì lễ cúng tại Lễ hội Lồng Tồng. (Ảnh: KCLDT)
Tết sắc màu muôn nẻo
Trong Chương trình Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025, sự kiện mở màn cho Lễ hội Ánh sáng Quốc tế Hà Nội 2025, sẽ có màn trình diễn ánh sáng từ 2025 drone (thiết bị bay không người lái) kết hợp với âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi drone được lập trình công phu để vẽ nên những hình ảnh độc đáo kể những câu chuyện về lịch sử ngàn năm, di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội, để tạo nên không gian sáng tạo đầy cảm xúc. “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” được tổ chức tại ngã tư Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào 20h ngày 18/1/2025 do Báo Nhân Dân, UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức. Cũng trong chương trình này có nhạc hội quy tụ nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam hứa hẹn mang đến một bữa tiệc nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa. Tại không gian di sản hồ Tây, các thế hệ nghệ sĩ sẽ kể những câu chuyện lịch sử qua từng màn biểu diễn với chung tình yêu nồng nàn dành cho Thủ đô Hà Nội.
Lễ hội Ánh sáng Quốc tế Hà Nội 2025 đón chào năm mới sẽ có màn trình diễn ánh sáng từ 2025 drone. (Ảnh: Minh Đức)
TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND - HĐND TP Hồ Chí Minh vào tối 28/1 và bắn pháo hoa nghệ thuật từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 29/1 (Giao thừa Tết Ất Tỵ). Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn diễn ra: chợ hoa Tết mang đậm dấu ấn đặc trưng “trên bến, dưới thuyền”, Ngày hội bánh tét; lễ dâng cúng bánh tét Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng và Đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; các chương trình biểu diễn nghệ thuật “Mừng Xuân Ất Tỵ - Mừng Đảng quang vinh”; biểu diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống...
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thành phố bên sông Hàn (Đà Nẵng) sẽ trở thành tâm điểm của không khí lễ hội với hàng loạt sự kiện truyền thống và hiện đại đặc sắc. Nổi bật là đường hoa Bạch Đằng chào mừng và phục vụ 500 đại biểu, đối tác trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn các TP hữu nghị và hợp tác - Đà Nẵng 2025 đến tham quan. Đường hoa Bạch Đằng với không gian rực rỡ sắc hoa phục vụ người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Những tiểu cảnh sáng tạo và nghệ thuật bài trí tinh tế sẽ tạo nên điểm nhấn không thể bỏ lỡ trong mùa Tết cổ truyền sắp tới. Cùng với đường hoa Bạch Đằng, đường hoa biển sẽ được tổ chức dọc vỉa hè từ bãi biển Mỹ Khê đến bãi biển Mỹ An, mang không gian của sắc hoa tươi hòa quyện cùng vẻ đẹp thiên nhiên của bãi biển Đà Nẵng. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng để thư giãn, tận hưởng không khí biển trong lành và chiêm ngưỡng nghệ thuật trang trí độc đáo trong dịp Tết.
Tại Ninh Bình, nơi nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và chùa Bái Đính, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, phố cổ Hoa Lư sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn vào ban đêm với các chương trình đêm nhạc hội countdown, chợ xuân với gần 100 gian hàng mang đậm nét văn hóa truyền thống. Các chương trình này sẽ đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và thưởng thức ẩm thực của du khách, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Dịp Tết nguyên đán 2025, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tái hiện các nghi thức dựng nêu đúng theo nghi lễ truyền thống của triều Nguyễn. (Ảnh: Phúc Đạt)
Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có chào đón năm mới với chủ đề: “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Ất Tỵ”. Tại Trường THPT chuyên Quốc học, đường Lê Lợi (quận Phú Xuân) tối ngày 28/1/2025 (ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn). Bên cạnh đó, Huế cũng tổ chức các hoạt động đón Xuân tại các tuyến đường đi bộ và công viên từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đến Công viên 3/2, Công viên Thương Bạc…; tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, thể dục thể thao, như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ Thượng tiêu (dựng nêu); Tết Hoàng cung. Đáng chú ý, Huế sẽ mở cửa miễn vé đón Nhân dân tham quan di tích vào ngày 29/1/2025 (mùng 1 Tết Nguyên đán); tổ chức một số hoạt động vui Xuân tại các di tích do đơn vị quản lý… TP Huế sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đón năm mới Ất Tỵ tại 4 địa điểm gồm trung tâm thành phố và 3 địa phương huyện A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc.
… Mỗi dịp Tết Nguyên đán, du lịch Việt Nam lại được “thổi” một luồng sinh khí mới, nhờ vào sự kết hợp yếu tố hiện đại với những lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, tạo cơ hội cho du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm những sắc màu văn hóa đặc biệt của từng vùng miền Tổ quốc Việt Nam.
Bảo Châu
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/chon-ron-don-tet-lang-tet-pho-post537431.html