Trong cùng một ngày cuối tháng 3, Geely Coolray chính thức ra mắt khách Việt với giá khởi điểm 538 triệu đồng, còn Omoda C5 bổ sung thêm phiên bản Luxury kèm giá bán 539 triệu đồng kèm ưu đãi khiến mẫu xe này đang có giá dưới 500 triệu.
Với động thái kể trên, 2 "tân binh" Trung Quốc trở thành những mẫu xe rẻ hàng đầu phân khúc SUV cỡ B, sẵn sàng cạnh tranh lẫn nhau cũng như thách thức loạt đối thủ mạnh đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Omoda C5 trẻ trung, Geely Coolray khỏe khoắn
Cùng định vị trong phân khúc SUV cỡ B, kích thước dài x rộng x cao của Geely Coolray lần lượt là 4.330 x 1.800 x 1.609 mm, còn các thông số của Omoda C5 là 4.400 x 1.830 x 1.588 mm.
Nếu chỉ so về kích thước, Omoda C5 có phần trội hơn Geely Coolray, nhưng kiểu dáng coupe SUV khiến chiều cao của C5 thua thiệt đôi chút so với đối thủ đồng hương.
Omoda C5 Luxury vẫn giữ nguyên thiết kế đầu xe như ở 2 phiên bản cao, với lưới tản nhiệt không viền cỡ lớn chiếm gần hết diện tích. Lưới tản nhiệt cũng là chi tiết đáng chú ý nhất khi nhìn trực diện Geely Coolray, nhờ tạo hình góc cạnh cùng viền đỏ nổi bật.
Ở Geely Coolray Standard, xe bị loại bỏ toàn bộ cảm biến trước, tuy nhiên cụm đèn chiếu sáng vẫn dùng công nghệ LED. Trên Omoda C5 Luxury, đèn chạy ban ngày là dạng LED nhưng cụm đèn chiếu sáng chính dùng bóng halogen projector, xe cũng không có camera trước.
Nhìn chung, phần đầu xe Omoda C5 khá trẻ trung với kiểu thiết kế lưới tản nhiệt phá cách. Geely Coolray đơn giản hơn, nhưng các đường nét cứng cáp phía đầu xe lại cho cảm giác khỏe khoắn, tựa những mẫu xe thương hiệu Mỹ.
Cùng là mâm xe 17 inch nhưng thiết kế trên Omoda C5 Luxury có phần thể thao hơn. Ở Geely Coolray Standard, mâm xe là dạng 5 chấu kép nhưng thiết kế đơn điệu khi đặt cạnh đối thủ đồng hương.
Cánh lướt gió ở đuôi xe cũng là điểm chung giữa 2 mẫu SUV cỡ B thương hiệu Trung Quốc. Cả hai đều được trang bị camera lùi, đèn hậu dạng LED.
Tương tự khu vực đầu xe, Omoda C5 nhìn từ phía sau trẻ trung, thể thao hơn nhờ cụm đèn hậu dạng LED đặt trong dải kính vắt ngang chiều rộng xe. Trên Geely Coolray Standard, chi tiết liên kết 2 cụm đèn hậu là thanh nẹp màu crom với logo Geely dạng chữ cái khắc chìm.
Nội thất vừa đủ dùng
Để có được giá bán rẻ, Geely Coolray bản tiêu chuẩn tất nhiên không thể giàu trang bị. Tương tự với Omoda C5 Luxury, hãng xe Trung Quốc thuộc tập đoàn Chery cũng chọn cách cắt giảm trang bị.
Ghế ngồi của Omoda C5 Luxury là loại thể thao với chất liệu bọc pha giữa nỉ và da, còn Geely Coolray Standard được trang bị ghế thường bọc nỉ hoàn toàn. Hai mẫu xe đều có ghế lái và ghế phụ chỉnh cơ toàn bộ.
Cả Omoda C5 Luxury lẫn Geely Coolray Standard đều được trang bị vô lăng 3 chấu dạng đáy phẳng khá thể thao, nhưng trang bị này trên phiên bản rẻ nhất của Omoda C5 được bọc da.
Omoda C5 Luxury giữ lại cụm màn hình đôi, còn các màn hình bên trong khoang lái Geely Coolray Standard giữ nguyên kích thước cũng như thiết kế tách rời tương tự các phiên bản cao.
Trên Geely Coolray Standard, cần số vẫn là dạng điện tử nhưng ở Omoda C5 Luxury, trang bị này chuyển sang dạng thẳng hàng. Đây là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong khoang lái Omoda C5 bản rẻ nhất.
Là phiên bản "cơ sở" nhưng cả Omoda C5 Luxury lẫn Geely Coolray Standard đều được trang bị hệ thống kiểm soát hành trình và tính năng giới hạn tốc độ kèm cảnh báo. Các thiết lập có thể được thực hiện thông qua phím bấm vật lý trên vô lăng.
Khi giá rẻ phải "đánh đổi" bằng động cơ
Nếu như Geely Coolray Standard chia sẻ động cơ tăng áp dung tích 1.5L tương tự 2 phiên bản cao thì Omoda C5 Luxury chỉ sử dụng động cơ xăng hút khí tự nhiên dung tích 1.5L.
Đây cũng là một trong những "đánh đổi" lớn nhất để giúp Omoda C5 Luxury có được giá bán 539 triệu đồng, thuộc nhóm rẻ hàng đầu phân khúc SUV cỡ B.
Vì vậy trong hạng mục này, Omoda C5 Luxury tỏ ra "đuối sức" hơn hẳn so với đối thủ đồng hương.
Động cơ của C5 Luxury cung cấp công suất tối đa 111 mã lực, mô-men xoắn cực đại 138 Nm, trong khi "trái tim" của Geely Coolray Standard là khối động cơ mạnh 177 mã lực, cung cấp 255 Nm mô-men xoắn.
Omoda C5 Luxury cũng không cung cấp các chế độ lái tùy chỉnh như trên Geely Coolray Standard, vốn cho phép người dùng lựa chọn giữa 3 chế độ lái Thể thao, Bình thường và Tiết kiệm.
Cuộc chiến giá mới
Tại sự kiện ra mắt, Omoda & Jaecoo Việt Nam thông báo chương trình ưu đãi giới hạn cho Omoda C5 phiên bản Luxury, đưa giá xe về dưới 500 triệu đồng cho 555 khách hàng đầu tiên.
Mức giá này không những rẻ nhất phân khúc SUV cỡ B, mà còn giúp Omoda C5 Luxury ngang hàng hoặc rẻ hơn loạt SUV cỡ A tại Việt Nam như Hyundai Venue (499-539 triệu đồng), Toyota Raize (498 triệu đồng, sẽ tăng lên 510 triệu đồng từ tháng sau) hay Kia Sonet với giá 539-624 triệu đồng.
Bên cạnh Mazda CX-3 (từ 522 triệu đồng) và MG ZS (từ 518 triệu đồng), giá khởi điểm trước ưu đãi của Omoda C5 (539 triệu đồng) và Geely Coolray (538 triệu đồng) cũng đã thuộc nhóm dễ tiếp cận hàng đầu phân khúc SUV đô thị.
Chẳng hạn, cái tên sở hữu doanh số tốt nhất nhóm SUV cỡ B chạy xăng là Mitsubishi Xforce đang được bán với giá khởi điểm 599 triệu đồng, tương đương mức khởi điểm của Kia Seltos và Hyundai Creta.
Toyota Yaris Cross có 2 phiên bản, giá bán từ 650 triệu đồng, còn Haval Jolion vừa "âm thầm" ra mắt với giá khởi điểm 669 triệu đồng.
Với động thái chào sân bằng giá bán "kịch sàn", Omoda C5 hay Geely Coolray đang gửi đi lời thách thức cho các mẫu xe Hàn, Nhật đang có sẵn trên thị trường.
Mitsubishi Xforce đang tạm thời là SUV cỡ B thuần xăng bán chạy nhất Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Dẫu vẫn còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì, việc phổ giá phân khúc SUV cỡ B tiến gần về mốc 500 triệu đồng nhờ Geely Coolray và Omoda C5 sẽ khiến các hãng xe khác phải đắn đo trong các đợt điều chỉnh giá bán tiếp theo.
Ôtô Trung Quốc chắc chắn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ lâu đời tại Việt Nam, nhưng tạo ra cơn sóng ngầm trên thị trường bằng giá bán hấp dẫn là điều mà các hãng xe mới như Omoda, Geely đã và đang làm khá thành công.
Phúc Hậu