Chốn thiền môn ươm mầm võ đạo

Chốn thiền môn ươm mầm võ đạo
13 giờ trướcBài gốc
Các em nhỏ chăm chú luyện tập dưới sự hướng dẫn của võ sư tại sân chùa.
"Gieo mầm" kỷ cương và ý chí
Mỗi buổi chiều Hè, giữa sân gạch sạch sẽ, tiếng hô giòn giã của đám trẻ vang lên, mở đầu cho buổi tập của lớp võ cổ truyền miễn phí đặc biệt. Lớp võ do Đại đức Thích Thánh Hiển, người phụ trách chùa Khánh Long, khởi xướng và phối hợp cùng võ sư Trịnh Đức Sung tổ chức. Lớp học là nơi kết hợp hài hòa giữa rèn luyện thể chất, bồi đắp đạo đức và khơi dậy tinh thần thượng võ cho thế hệ trẻ. Giữa khung cảnh tôn nghiêm, đám trẻ học võ không giống bất cứ một trung tâm thể thao nào.
Đại đức Thích Thánh Hiển tiếp chuyện chúng tôi trong gian nhà khách nhỏ, giữa tiếng chuông gió reo bên hiên. Giọng thầy trầm ấm, từ tốn đủ khiến người đối diện cảm thấy an lòng ngay từ những câu đầu tiên. Quê ở tỉnh Khánh Hòa, Đại đức Thích Thánh Hiển đã gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên từ năm 2010. Sau đó, thầy từng có bốn năm tu học Phật pháp tại đất nước Sri Lanka, một trong những cái nôi Phật giáo nguyên thủy. Đến cuối năm 2019 thầy về nước.
Và rồi, như có mối duyên lành, thầy được mời về vùng đất này để trợ duyên cho bà con nhân dân và các Phật tử. Qua những chia sẻ nhẹ nhàng của thầy, chúng tôi thấy hiện lên một tâm nguyện sâu xa: không chỉ là hoằng dương Phật pháp, mà là kiến tạo một không gian nơi đạo lý nhà Phật được hòa quyện với mạch nguồn văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có võ cổ truyền Việt Nam.
Võ sư tận tình chỉnh từng động tác tay, bước chân cho học trò.
Võ đường Khánh Long Tự ra đời từ chính khát vọng ấy, một khát vọng âm thầm nhưng mạnh mẽ, nuôi dưỡng thế hệ trẻ bằng cả đạo lý và nghị lực sống. Không phải điều gì cao siêu, mà bắt đầu từ những điều bình dị nhất: một cái cúi chào đúng mực, một thế tấn vững chãi, một nhịp thở đều đặn.
Trong ánh nhìn của thầy, từng động tác, từng lời dặn dò đều là cách gieo hạt giống tốt lành cho tâm hồn các em. Đứng tại đây, tôi tự hỏi: liệu đây có còn là một lớp học võ? Hay đúng hơn, đó là nơi các em học cách làm người, nơi võ đạo và Phật pháp hòa quyện, cùng nâng đỡ tâm hồn non trẻ trong hành trình khai trí, khai tâm.
Võ đường Khánh Long tự có 10 người, trong đó có võ sư Trịnh Đức Sung - sư phụ, đại diện 5 thầy trực tiếp giảng dạy. Lớp học được tổ chức theo chuẩn của võ cổ truyền Nam Thiếu Lâm. Trẻ em từ 9 tuổi trở lên có thể tham gia. Trong năm học bình thường, các em tập 2 buổi cuối tuần; riêng mùa Hè học tăng cường 3 buổi mỗi tuần.
Một khóa kéo dài khoảng 4 tháng, kết thúc bằng kỳ thi lên đai theo quy chuẩn của môn phái, từ đai vàng, đai đỏ đến đai đen. Những em có tố chất, đam mê được chọn vào nhóm nòng cốt, trở thành trợ giáo, huấn luyện viên tương lai.
Riêng mùa Hè, lớp võ miễn phí được mở rộng cho tất cả các em nhỏ trong vùng. Đồng phục, tài liệu, dụng cụ, thầy dạy… tất cả đều được nhà chùa hỗ trợ hoàn toàn. Hiện nay, khóa hè thứ hai đang diễn ra với gần 70 học viên đến từ các xóm: Ngò, Cà, Làng U, Làng Vầu, Giàn, Vực Giảng, Vàng Ngoài, Giếng Mật… Có thời điểm, lớp lên đến hơn 100 em.
Điểm khiến lớp học đặc biệt không nằm ở việc miễn phí, mà ở cách rèn luyện. Trước khi học võ, các em phải học cách kiểm soát cơ thể, học nội quy lớp học, môn quy võ đường và nguyên tắc sinh hoạt của chùa. Khi tâm chưa yên, thì thân khó vững, đó chính là nguyên lý cốt lõi. Vì vậy, mỗi giờ võ ở đây bắt đầu từ sự điềm tĩnh chứ không phải sự hưng phấn ồn ào.
Người thắp lửa tâm, thân
Góp phần làm nên sự chuyên nghiệp và hiệu quả của lớp võ ở chùa Khánh Long là võ sư Trịnh Đức Sung, người dành trọn cuộc đời cho võ cổ truyền Nam Thiếu Lâm. Nhiều người trìu mến gọi ông là “võ sư xứ Trà”. Không chỉ mang võ thuật đến với lớp học ở chùa Khánh Long, ông còn truyền thụ cả tinh thần thượng võ, lấy đạo đức làm gốc, lấy nhẫn nại làm đầu.
Giữa sân chùa, võ sư Trịnh Đức Sung trong bộ võ phục màu đen thêu chỉ vàng, đai đỏ nổi bật - trang phục mang đậm dấu ấn của môn phái Nam Thiếu Lâm giọng đều đặn nhưng đầy uy lực: “Tấn tả, chân vững, không đổ!”. Đám trẻ nghe như nuốt từng lời. Có em lần đầu học võ, động tác còn vụng về, nhưng chỉ sau vài buổi đã có thể thực hiện những quyền pháp dứt khoát.
Sau giờ luyện tập kỹ thuật, các em được chia nhóm luyện tập đối kháng nhẹ, tạo không khí sôi nổi, hứng khởi.
Trong số các học viên nhỏ tuổi, Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Hòa, chia sẻ ngắn gọn mà chân thành: Con thấy học dễ hiểu, vui và giúp con tập trung hơn. Con mong được theo học võ ở chùa lâu dài.
Còn Phạm Văn Đàm, học sinh đến từ xóm Vàng Ngoài, cách chùa gần 5km, vẫn đều đặn đạp xe đến lớp mỗi tuần. Dù mỗi em đến lớp bằng một lý do riêng, nhưng điểm chung dễ thấy là sự thay đổi rõ nét qua từng buổi học: tự tin hơn, lễ phép hơn và gắn bó hơn với tập thể.
Ngồi xem con luyện tập, ánh mắt chị Nguyễn Thị Ân (xóm Trò, xã Lương Phú) không giấu được niềm vui. Chị bộc bạch: Năm nay con em 13 tuổi. Cái tuổi mà người ta hay nói là dở dở ương ương. Nhưng từ khi đi học võ ở Chùa cháu thay đổi hẳn: ngoan hơn, nói năng lễ phép hơn, không còn hay làm trái lại lời người lớn nói. Đặc biệt, đỡ “dán” mắt vào tivi, điện thoại.
Còn chị Bùi Thị Hòa, mẹ của hai bé 6 và 8 tuổi, vui vẻ cho biết: Hai đứa về đến nhà là tự giác chào ông bà, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, cũng không ngại vận động như trước nữa. Nhìn con chuyển biến như thế, tôi thực sự yên tâm.
Không gian học tập không bị bó buộc bởi bốn bức tường. Dưới những tán cây, trên nền gạch sân chùa, bên tiếng chuông và tượng Phật, mỗi buổi học là một khoảnh khắc giao thoa giữa thể chất và tâm hồn. Có lúc, các em dừng lại lắng nghe lời tụng kinh; có lúc ngồi xếp bằng thiền tĩnh tâm.
Kiến trúc chùa Khánh Long được xây dựng theo phong cách hài hòa với thiên nhiên, mang đậm dấu ấn nghệ thuật Phật giáo. Ở đây, võ đạo và Phật pháp không tách rời. Một bên rèn thân, một bên rèn tâm, cả hai cùng góp phần nuôi dưỡng con người. Lớp võ mùa Hè ở chùa Khánh Long âm thầm thực hiện sứ mệnh đó, không phô trương, không cầu kỳ mà chỉ âm thầm, lặng lẽ gieo hạt lành.
Những ngày Hè ở vùng quê thường trôi qua giữa nắng gắt và tiếng ve. Nhưng ở sân chùa Khánh Long, mùa Hè ấy được thắp lên bằng tiếng hô rắn rỏi, ánh mắt sáng lên quyết tâm và những giọt mồ hôi thấm đẫm tình thương. Khi những bước chân nhỏ rời sân chùa mỗi chiều, sự tĩnh lặng lại trở về, nhưng trong từng bậc đá như vẫn âm vang dư âm của những ngày đặc biệt. Một mùa Hè đang âm thầm gieo những hạt giống lành của yêu thương, của kỷ luật và của một tinh thần kiên cường đang lớn lên từng ngày.
Kim Ngân
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/chon-thien-mon-uom-mam-vo-dao-fed26bc/