Chồng chất các kỳ thi riêng, học sinh chóng mặt phụ huynh quay cuồng

Chồng chất các kỳ thi riêng, học sinh chóng mặt phụ huynh quay cuồng
8 giờ trướcBài gốc
Ôn quá nhiều kỳ thi cùng lúc
Ngoài học và tham gia làm các bài thi thử,
Hà Minh Hiếu - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) ngoài học ở trường, học thêm còn tham gia làm các bài thi thử, thi đánh giá năng lực làm kết quả xét tuyển vào trường đại học em mong muốn. "Để chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới, em quay cuồng với lịch học dày đặc. Vừa học kiến thức trên trường lại vừa đăng ký các lớp trực tuyến để học thêm nên em cũng cảm thấy việc học vô cùng áp lực. Thời gian để vui chơi hoặc dành cho các nhu cầu giải trí khác rất ít của em hiện không còn. Mặc dù bố mẹ không tạo áp lực gì mà thường xuyên động viên em, tuy nhiên, để đỗ được vào ngôi trường mà em mơ ước thì em phải cố gắng cật lực thôi".
Tương tự, Hà Quỳnh Trang - học sinh lớp 12 Trường THPT Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, ngay từ năm lớp 11 em đã luyện thi IELTS để xét tuyển sớm. "Khi lên lớp 12, em đã dành thời gian để học đều các môn, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội trong tháng 3 và thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 6. Mặc dù em có lực học khá chắc nhưng kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi nên em rất áp lực".
Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Để rộng đường xét tuyển vào đại học, con gái tôi cùng lúc học và thi lấy chứng chỉ cả SAT và IELTS, chưa kể học thêm các môn để dự thi đánh giá năng lực và cả đánh giá tư duy nên lịch học của cháu kín mít cả tuần, học phí thì tốn kém hàng chục triệu đồng", chị Trần Thúy Ngân – phụ huynh có con đang học lớp 12 chia sẻ.
Không nên "tham" nhiều kỳ thi
Thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass chia sẻ, trước khi trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh sẽ có rất nhiều những kỳ thi và đợt kiểm tra khác. Ví dụ như: Kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ của 13 môn học, các kỳ thi khảo sát chất lượng nhà trường và Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức... Đặc biệt những năm gần đây, học sinh có xu hướng sử dụng điểm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay chứng chỉ ngoại ngữ làm điều kiện để xét tuyển đại học. Chính vì vậy, ngoài các kỳ thi kể trên, một số em còn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thi chứng chỉ IELTS…
Theo thầy Khánh, khi phải đối mặt với quá nhiều kỳ thi như vậy, không chỉ phía học sinh mà giáo viên cũng gặp không ít áp lực. Mỗi kỳ thi lại có nội dung, cấu trúc, tiêu chí khác nhau, nếu như chỉ dạy theo một phương pháp truyền thống thì học sinh sẽ không đủ năng lực, kiến thức để đáp ứng yêu cầu. "Các kỳ thi có nội dung thông tin kiến thức rất rộng và đa dạng ở nhiều lĩnh vực kết hợp cả chương trình trong sách giáo khoa và thông tin thực tiễn. Để dạy học hiệu quả đòi hỏi người giáo viên liên tục cập nhật, thay đổi phương pháp dạy để tiếp cận xu hướng mới, bám sát yêu cầu ra đề của kỳ thi. Đó là điều khó khăn và áp lực bởi thay đổi phương pháp dạy sẽ tốn rất nhiều thời gian, chất xám của người giáo viên", thầy Khánh nói.
Cô Nguyễn Thu Hà - giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng. Lý do là việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các trường phổ thông hiện nay và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có nội dung, cấu trúc đề thi theo hướng khá quen thuộc với học sinh trong khi đó đề thi tại các kỳ thi riêng thì mỗi trường một kiểu.
Cô Hà chia sẻ thêm: "Các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Nếu như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM có phạm vi, lĩnh vực rộng thì kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND chủ yếu làm căn cứ để các trường CAND tuyển sinh… Vì vậy, thí sinh chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, không nên "tham" quá nhiều kỳ thi để không bị phân tán, quá tải và tốn kém cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức lực".
Còn cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên dạy Toán Trường THPT Công nghiệp (Phú Thọ) cho rằng, việc nhiều trường đại học tổ chức các kỳ thi riêng được đánh giá tạo thêm nhiều cơ hội, mở ra thêm nhiều sự lựa chọn cho thí sinh song việc gia tăng số lượng các kỳ thi riêng cũng tạo nhiều áp lực, khó khăn cho thầy và trò. "Đối với những học sinh ở thành phố lớn, các em có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, trong ôn tập cũng như có đủ điều kiện kinh tế khi tham gia các kỳ thi riêng. Trong khi đó, đối với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập lẫn kinh tế đều có những hạn chế nhất định nên việc có quá nhiều kỳ thi riêng (hầu hết các kỳ thi đều tổ chức ở các thành phố lớn học sinh ở quê phải "khăn gói quả mướp" đi thi, lệ phí dự thi cao) xét ở một góc độ nào đó cũng tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận cơ hội của học sinh giữa các vùng miền".
Năm 2025, hàng loạt cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.CM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Kỳ thi V-SAT, Kỳ thi riêng của trường đại học khối công an, quân đội…
Luật Giáo dục đại học quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Do đó, các trường đại học căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chong-chat-cac-ky-thi-rieng-hoc-sinh-chong-mat-phu-huynh-quay-cuong-169250113181702648.htm