8 tháng sau khi ly hôn, người đàn ông họ Trần ở Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện vợ cũ của mình là cô Thang đã sinh con với chồng mới.
Tính thời gian mang thai và sinh nở, Trần nghi ngờ mình đã bị "cắm sừng" từ trước khi ly hôn nên quyết định kiện vợ chồng cô Thang ra tòa, đòi bồi thường 700 nghìn Đài tệ (khoảng 523 triệu đồng).
Tuy nhiên, tòa án tại Cao Hùng bác bỏ đơn kiện của anh Trần dựa trên chứng cứ từ các kết quả khám thai và giấy chứng sinh, xác định ngày cô Thang thụ thai nằm trong khoảng thời gian 3 ngày sau ly hôn.
Theo anh Trần, mối quan hệ hôn nhân 1 năm của anh với cô Thang đã chính thức chấm dứt vào ngày 12/9/2020.
Nhưng chỉ sau 8 tháng, vào tháng 5/2021, cô Thang đã sinh con với chồng mới. Chính vì thế, anh hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ sự chung thủy của vợ trong thời gian chung sống.
Trần nghi ngờ mình đã bị "cắm sừng" từ trước khi ly hôn nên quyết định kiện vợ chồng cô Thang ra tòa, đòi bồi thường 700 nghìn Đài tệ. Ảnh minh họa
Anh Trần còn khẳng định rằng cô Thang đã có quan hệ "ngoài luồng" trước khi ly hôn và đưa ra ảnh chụp màn hình từ Instagram làm bằng chứng.
Mẹ của anh Trần cũng lên tiếng làm chứng, nói rằng cô Thang đã đưa người đàn ông họ Vương về nhà vào tháng 8/2020 khi chồng vắng nhà.
Tự bào chữa khi ra tòa, cô Thang nói rằng hai người đã thỏa thuận ly hôn vào ngày 3/9/2020, nhưng do anh Trần cố tình kéo dài quá trình này nên đến ngày 12/9 họ mới hoàn thành thủ tục ly hôn.
Người phụ nữ này khẳng định, trong thời gian là vợ anh Trần, cô không có mối quan hệ ngoài luồng nào, cũng không vi phạm quyền phối ngẫu của anh Trần, không có lý do gì phải bồi thường.
Tòa án đã dựa trên bằng chứng từ các phiếu khám thai định kỳ, giấy chứng sinh, lịch sử bệnh và kết quả siêu âm để tính ngày cô Thang thụ thai.
Từ căn cứ đó, họ xác định thời điểm cô Thang thụ thai có thể là ngày 15/9/2020, khi đó cô và chồng cũ đã ly hôn được 3 ngày.
Cô cũng lập luận rằng, ảnh chụp màn hình Instagram chỉ có biểu tượng nắm tay, khó có thể kết luận rằng cô và anh Vương có hành vi vượt qua ranh giới.
Lời chứng của mẹ anh Trần cũng chỉ cho biết anh Vương xuất hiện duy nhất một lần và ở thời điểm này, Vương mặc đồ gọn gàng, không cho thấy có sự giao tiếp thân mật nào với cô Trần.
Vài ngày trước, vụ việc được đưa ra xét xử, tòa án cuối cùng đã bác bỏ đơn kiện của Trần.
Lý do khiến hôn nhân thất bại
Vợ chồng bạn ngủ với nhau mỗi đêm nhưng ngoài điều đó ra, bạn cảm thấy trống rỗng sâu sắc. Ảnh minh họa
Giống bạn cùng phòng hơn bạn đời
Vợ chồng bạn ngủ với nhau mỗi đêm nhưng ngoài điều đó ra, bạn cảm thấy trống rỗng sâu sắc.
Khi làm việc với khách hàng, các nhà tâm lý học thường nghe những cụm từ như "chúng tôi giống bạn cùng phòng" và "chúng tôi không có nhiều điểm chung".
Thực tế là các cặp rơi vào tình huống này thường mất đi mối liên hệ tình cảm và không biết làm thế nào để khơi lại ngọn lửa tình yêu.
Một số có thể cảm thấy đang sống tách biệt với bạn đời hoặc không thoải mái khi ở bên nhau.
Khinh thường
Sự khinh thường có lẽ là dấu hiệu lớn nhất cho thấy một mối quan hệ sẽ thất bại vì nó khiến một cá nhân cảm thấy mình kém cỏi và không được đánh giá cao.
Sự khinh miệt thường được thể hiện qua ngôn ngữ mỉa mai, trịch thượng, thái độ thù địch hoặc hắt hủi, phủ nhận.
Bên cạnh đó, nó cũng thể hiện qua các hành động và ngôn ngữ cơ thể như cái bĩu môi, trợn mắt, xua tay.
Thiếu niềm tin
Niềm tin gắn liền với nhu cầu cơ bản về sự an toàn, nhất quán và bảo mật trong các mối quan hệ.
Nếu bạn hoặc người bạn đời từng bị bỏ rơi hoặc phản bội trong những năm trưởng thành thì có thể cảm thấy khó tin tưởng lẫn nhau.
Các biểu hiện của việc thiếu niềm tin là ghen tuông, kiểm soát, thao túng, kỳ vọng không thực tế và sự không chung thủy về mặt cảm xúc hoặc thể xác.
Nếu vấn đề về lòng tin đang xảy ra, bạn có thể khó cảm thấy đồng cảm hoặc tin tưởng vào người bạn đời.
Thiếu độc lập
Một số người không thể hoặc không muốn dành thời gian ở một mình. Họ có thể cảm thấy việc phải ở một mình là biểu hiện đối tác không còn yêu thương và muốn bỏ mình.
Tuy nhiên, dành thời gian một mình là rất quan trọng để tự chăm sóc bản thân, xây dựng tính độc lập và thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ.
Giao tiếp
Giao tiếp lành mạnh không chỉ là nói để được lắng nghe. Nó bao gồm việc lắng nghe tích cực, tạm dừng, suy ngẫm và đồng cảm.
Khi giao tiếp bị hạn chế hoặc có vấn đề, nó có thể làm suy yếu nền tảng mối quan hệ và khiến việc giải quyết bất kỳ vấn đề nào cũng trở nên khó khăn hơn.
Thư Di (t/h)