Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 tăng cường quyền lợi cho lao động nam có vợ sinh con. Ảnh minh họa: IT
Nam giới được nghỉ thai sản trong vòng 60 ngày thay vì 30 ngày như trước
Theo quy định từ trước đến nay, người lao động được hưởng chế độ thai sản cho nam giới là người lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội và có vợ sinh con.
Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực mới sẽ tạo cơ hội đột phá về chế độ thai sản, đặc biệt đối với nam giới, người chồng trong gia đình. Qua đó, hướng tới sự bảo vệ toàn diện cho phụ nữ mang thai, làm mẹ và các gia đình.
Cụ thể, theo quy định mới từ 1/7/2025, quyền lợi cho lao động nam có vợ sinh con sẽ được tăng cường: Lao động nam sẽ có thêm thời gian nghỉ nếu vợ sinh ba trở lên và phải phẫu thuật.
Toàn bộ nam giới có vợ sinh con sẽ được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.
Tiếp đó, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người chồng phải trong khoảng 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con. Nếu nghỉ nhiều lần, ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng cũng phải trong khoảng 60 ngày đầu và tổng thời gian nghỉ không vượt quá quy định.
Nhiều quy định đột phá, nhân văn khác về chế độ thai sản cho người lao động
Luật bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung và sửa đổi nhiều quy định quan trọng về chế độ thai sản đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
Hỗ trợ đặc biệt cho trường hợp thai nhi không may mất: Luật đã bổ sung quy định mang tính nhân văn sâu sắc. Theo đó, lao động nữ mang thai hoặc lao động nữ mang thai hộ có đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nếu trong trường hợp thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thì cả lao động nữ và người chồng đều được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp sinh con.
Đối với trường hợp đủ điều kiện thời gian đóng như sinh con, người mẹ sẽ được hưởng chế độ như trường hợp sinh con.
Nếu chưa đủ điều kiện về thời gian đóng, người mẹ vẫn được nghỉ 50 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên (Luật hiện hành là 25 tuần tuổi), mở rộng hơn quyền lợi cho người mẹ.
Hỗ trợ điều trị vô sinh trước khi sinh con: Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con mà trước đó phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Lao động nữ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con là đủ điều kiện hưởng chế độ này. Quy định này thể hiện sự thấu hiểu và hỗ trợ quá trình gian nan để có con của nhiều gia đình.
Thời gian nghỉ thai sản khi con không may qua đời: Luật cũng sửa đổi quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con mà con chết, đảm bảo người mẹ vẫn có thời gian hồi phục sức khỏe và tinh thần.
Thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Đây là một quy định rất quan trọng. Đối với trường hợp lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, và lao động nữ nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sẽ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. Đối với các trường hợp hưởng chế độ thai sản khác mà có thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thời gian này cũng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không phải đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đảm bảo quyền lợi liên tục về bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Luật hóa quy định về mang thai hộ: Các quy định liên quan đến lao động nữ mang thai hộ và lao động nữ nhờ mang thai hộ đã được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các trường hợp này.
Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con: Luật hóa quy định: "Lao động nữ sinh con nhưng không đủ điều kiện mà người chồng có đủ điều kiện thì người chồng được trợ cấp một lần".
Bổ sung quy định: "Trường hợp người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người chồng của người mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm người mang thai hộ sinh con được trợ cấp một lần".
Mức trợ cấp thai sản một lần cho mỗi con được sửa đổi thành 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.
Hỗ trợ bảo hiểm y tế trong thời gian thai sản: Người lao động sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, giảm gánh nặng chi phí y tế cho gia đình.
Quang Minh