Chống hàng giả: Tăng 'phủ sóng' hàng chính hãng, bảo vệ người tiêu dùng

Chống hàng giả: Tăng 'phủ sóng' hàng chính hãng, bảo vệ người tiêu dùng
2 giờ trướcBài gốc
Hàng giả len lỏi khắp các ngành hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp với trình độ sản xuất ngày càng tinh vi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà bản thân người tiêu dùng cũng có nguy cơ “tiền mất, tật mang” vì mua phải hàng giả.
Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh với hàng giả thì việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng một cách thường xuyên, liên tục với sự đồng hành của các chủ nhãn hàng sẽ là một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn này.
Ham rẻ - nguy cơ mua phải hàng giả rất cao
Ngày 08/11, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông tiến hành kiểm tra địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm - Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy, tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa thành phẩm, bán thành phầm cùng nguyên liệu, tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, công cụ sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Bước đầu kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận định Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược phẩm Korea-Green Life; Công ty cổ phần BIBICA; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kẹo Bảy Ba Bảy và Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kẹo Bảy Ba Bảy. Do vậy, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ.
Liên quan tới lĩnh vực này, trong năm 2024, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phối hợp với lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra và bắt giữ một lô hàng gồm hơn 93.000 sản phẩm có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Điều đáng chú ý là khi hàng không rõ nguồn gốc được vận chuyển về địa điểm này sẽ được dán tem nhãn và “hô biến” thành sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng để tiếp tục đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc, Công ty Yến sào Khánh Hòa thông tin sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái được bán nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử.
Điều đáng lưu ý là sản phẩm nước yến sào của doanh nghiệp này có hàm lượng yến từ 7,5%-27%, song nhiều sản phẩm giả mạo, nhái thương hiệu của doanh nghiệp quảng cáo lên tới 39%, thậm chí lên tới 70%.
Đưa ra một con số thống kê, đại diện doanh nghiệp này cho biết thời gian qua, Công ty đã phát hiện hơn 30 tổ chức, cá nhân sao chép nhãn hiệu, bao bì, thành phần sản phẩm và 15 đơn vị tổ chức sử dụng tên Yến sào Khánh Hòa (nhãn hiệu được bảo hộ) làm tên thương hiệu của họ.
Cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách nhận diện sản phẩm của Công ty Yến sào Khánh Hòa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thậm chí, trên bao bì hàng nhái ghi địa chỉ sản xuất, nhưng khi cơ quan chức năng tìm đến thì đó chỉ đó là nơi gia công và không có dây chuyền sản xuất, hoặc địa điểm không có thực để lừa dối người tiêu dùng.
“Nhiều đơn vị còn sử dụng nguyên cụm từ “Yến sào Khánh Hòa”và hình ảnh đàn chim Yến, hình ảnh đảo Yến để phục vụ cho việc quảng cáo, bán hàng. Còn người tiêu dùng, khi mua phải sản phẩm không chính hãng, cảm nhận chất lượng không đúng đã phản ánh tới công ty,” ông Nguyễn Mạnh Thắng nêu ví dụ.
Thực tế, hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính trong nước mà đại diện các hãng nước ngoài cũng cảm thấy lo ngại về vấn nạn này.
Ông Naito Yasuaki, đại diện văn phòng sáng chế Nhật Bản (JPO) khu vực Đông Nam Á bày tỏ vui mừng khi các sản phẩm "Made in Japan" rất thịnh hành trên thị trường Việt Nam, tuy nhiên ông cũng băn khoăn khi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái cũng tác động không nhỏ.
“Dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng với cảm quan của chúng tôi, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tăng lên rất nhiều. Vì thế, phía Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp, buổi trao đổi cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề này,” ông Naito Yasuaki cho hay.
Trang bị kiến thức để "tự vệ"
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy trong những năm qua, số lượng bắt và xử lý liên quan tới hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng. Chỉ riêng 11 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt khoảng 13.000 vụ/50.000 vụ việc vi phạm trong cả nước liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 57 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhìn nhận, với sự phát triển của kinh tế, thương mại, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, nhưng đi kèm với việc đó là hiện tượng hàng nhái, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng nhiều.
Đơn cử, từ những mặt hàng gắn bó mật thiết với đời sống của người dân, như: quần áo, giày dép đến hàng hóa ảnh hưởng tới sức khỏe như: dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, kể cả những mặt hàng gia dụng như: tivi, tủ lạnh hay những mặt hàng có giá trị lớn, như đồ trang sức… cũng có thể bị làm giả.
Mặc dù người tiêu dùng ngày càng tiếp cận nhiều thông tin, cộng với chế tài xử phạt tăng nặng mang tính răn đe, song các gian thương cũng "luồn lách" với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng, trong đó phổ biến là việc làm nhái kiểu dáng công nghiệp, làm nhái nguồn gốc xuất xứ (sản phẩm sản xuất một nơi nhưng dán xuất xứ ở một quốc gia khác), đặc biệt là giả về kiểu dáng, chất lượng, tiêu chuẩn đo lường…
“Tôi cho rằng, cơ quan Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức về phương thức, thủ đoạn rất tinh vi của các đối tượng làm hàng giả,” ông Trần Hữu Linh nói.
Gian hàng trưng bày hàng giả-hàng thật của Tổng cục Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Song song với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường khuyến nghị người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tự phòng tránh, loại trừ khả năng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Chỉ vì rẻ mà mua thì nguy cơ mua phải hàng giả rất cao. Bởi vậy, trước khi mua sản phẩm gì, người dùng nên tìm hiểu từ hãng xem họ bán hay phân phối ở đâu, cửa hàng như thế nào và mua tại những địa chỉ mà hãng chỉ ra thật sự uy tín thì sẽ giảm được nguy cơ mua phải hàng giả. Sau đó, cần trang bị những kiến thức rất cơ bản để lựa chọn được đúng cửa hàng uy tín,” ông Trần Hữu Linh lưu ý thêm.
Nhằm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đấu tranh với vấn nạn này, Chính phủ đã chọn ngày 29/11 hằng năm là ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, về mặt chính sách, mới đây Bộ Công Thương đã trình Chính phủ sửa đổi, thay đổi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng giả theo hướng tăng nặng chế tài, mức xử phạt để ngăn ngừa đối tượng làm hàng giả ở khung mức phạt cao nhất về chính sách.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tổ chức nhiều sự kiện làm việc với các doanh nghiệp giúp chủ thương hiệu rà soát, nắm bắt việc làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu của mình trên thị trường, qua đó có sự gắn kết, thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thể xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tổ chức nhiều hoạt động tư vấn giúp người tiêu dùng tự phòng tránh, phát hiện hàng giả và có những hình thức truyền thông để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về việc sử dụng hàng thật, mua hàng hóa tại những địa chỉ tin cậy./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chong-hang-gia-tang-phu-song-hang-chinh-hang-bao-ve-nguoi-tieu-dung-post996070.vnp