Chống hàng giả trong bối cảnh mới: Quản lý phải đi đôi với phát triển thị trường

Chống hàng giả trong bối cảnh mới: Quản lý phải đi đôi với phát triển thị trường
8 giờ trướcBài gốc
Gạo, bút giả bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử
Nếu như ở giai đoạn trước, phạm vi hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường tập trung chủ yếu ở thị trường truyền thống, thì từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, công tác quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng đã chuyển sang mặt trận mới, đó chính là đấu tranh phòng, chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, kể từ sau đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, trả lại mặt bằng, chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online.
Hình ảnh kho hàng vi phạm của hot girl Mailystyle, thường xuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Quyên Lưu
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Năm 2024 số vụ kiểm tra, xử lý và số tiền xử phạt các vụ việc liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đã tăng hơn gấp 3 lần năm 2023, đem lại nhiều kết quả tích cực.
Riêng 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1 tỷ đồng trên lĩnh vực thương mại điện tử. Các mặt hàng bị làm giả đa dạng, từ đồng hồ, túi xách hàng hiệu đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử, sách vở, đồ gia dụng. Thậm chí, các sản phẩm thương hiệu Việt như: Gạo ST25 “Gạo Ông Cua”, hay bút bi Thiên Long cũng bị làm giả và bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, những năm gần đây, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã và đang triển khai quyết liệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319). Cùng với đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã mời các sàn như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Trong thời gian tới, lực lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng cũng sẽ áp dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm chuyên dụng đang được triển khai nhằm quét và phát hiện hành vi vi phạm từ phía nhà bán hàng.
Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả trên không gian mạng là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Chống hàng giả triên thương mại điện tử tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.
Quản lý phải đi đôi với phát triển thị trường
Trong bối cảnh mới, lực lượng Quản lý thị trường xác định, cuộc chiến chống hàng giả sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là công tác đấu tranh chống hàng giả trên thương mại điện tử. Song để làm tốt công tác này hơn nữa, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho rằng, công tác quản lý thị trường phải đi đôi với xây dựng và phát triển thị trường.
Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, công tác quản lý phải đi đôi với phát triển thị trường
Cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ, giữa phát triển thị trường và công tác quản lý thị trường luôn tồn tại mối quan hệ mật thiết mà trong đó, lực lượng Quản lý thị trường đóng vai trò như một "trận tuyến phòng vệ sống còn" trước những thách thức ngày càng phức tạp như hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử.
“Công tác quản lý thị trường nếu làm không tốt thì việc thúc đẩy phát triển thị trường sẽ không còn ý nghĩa" - Cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định và cho rằng, quản lý thị trường chặt chẽ, quyết liệt không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là điều kiện tiên quyết để thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bền vững, tạo nền tảng để thị trường trong nước phát triển ổn định và dài hạn.
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, nhấn mạnh về các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh mới, Thủ tướng chỉ đạo, chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, thực hiện không ngừng nghỉ, không vùng cấm. Cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc.
Cùng đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trách nhiệm cao, có đạo đức và nhân văn trong thực hành công vụ để hướng tới mục tiêu cao nhất là quét sạch tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong 6 tháng (từ 15/12/2024 đến 14/6/2025), lực lượng QLTT đã kiểm tra 11.568 vụ, xử lý 9.919 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 266 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 121 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.
Hoàng Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/chong-hang-gia-trong-boi-canh-moi-quan-ly-phai-di-doi-voi-phat-trien-thi-truong-409106.html