Nhiều thủ đoạn mới
Báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia cho thấy, trong quý I năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm, trong đó lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 6.754 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 22.774 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, 1.113 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ...thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.616,7 tỷ đồng. Riêng TP Hà Nội đã xử lý 5.503 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 1.273 tỷ đồng
Theo Chánh văn phòng BCĐ 389 Quốc gia Lê Thanh Hải, lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hóa quá cảnh, miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, các đối tượng buôn lậu đã trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam tiêu thụ hoặc giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ 3.“Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nổi lênhoạt động buôn lậu, vận chuyển pháo nổ, rượu, nguyên liệu thuốc lá, dược liệu, ngoại tệ, thực phẩm đông lạnh”- ông Hải nêu ví dụ
Trong nội địa, gia tăng các hoạt động lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, để vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… Sử dụng giấy tờ giả để thành lập doanh nghiệp thực hiện hành vi mua bán trái phép, xuất hóa đơn khống, chuyển tiền trái phép, trục lợi thuế giá trị gia tăng...
Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin thêm, các đối tượng buôn thường lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, sự thông thoáng về xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng dễ vận chuyển, có giá trị cao như ngoại tệ, vàng, kim cương, thuốc lá, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Để qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Xây dựng phương thức chống hàng lậu phù hợp thực tế
Dự báo trong quý II năm 2025, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang nên các đối tượng sẽ tăng cường buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba.
Để xử lý các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận xuất xứ, tại hội nghị các đại biểu kiến nghị BCĐ 389 Quốc gia hoàn thiện các quy định, hành lang pháp lý. Lực lượng chức năng cả nước trong đó lực lượng công an tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả tại cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... Qua đó ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về thị trường nội địa tiêu thụ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hông Diên kiến nghị, thời gian tới Chính phủ cần rà soát phân định rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. “Vụ phát hiện doanh nghiệp sản xuất sữa giả vừa qua cho thấy sự chồng chéo trong công tác quản lý cũng như trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ví dụ.
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thuốc lá điện tử nhập lậu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, quá trình chống buôn lậu, hàng giả cho thấy hoạt động sản xuất hàng giả thường tập trung tại các khu vực hẻo lánh, gây khó khăn cho công tác phát hiện, kiểm tra. Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và nền tảng số đặt ra thách thức mới trong khi cơ chế kiểm soát, chế tài xử lý chưa theo kịp.
“Thời gian tới, đề nghị BCĐ 389 Quốc gia sớm có văn bản hướng dẫn kiện toàn BCĐ 389 cấp tỉnh, thành phố phù hợp với Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo tính liên thông, thống nhất. Đồng thời các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát, chống gian lận và thất thu ngân sách”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị.
Trước những kiến nghị của các địa phương, lực lượng chức năng, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn yêu cầu BCĐ 389 Quốc gia đưa ra phương hướng nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới một cách đồng bộ, phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị, lực lượng chức năng. Để góp phần bình ổn thị trường, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng những giải pháp phù hợp thực tế trong quá trình nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn đơn vị phụ trách, quản lý.
Đặc biệt, các địa phương và lực lượng chức năng cần đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp trong quá trình giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, tạm nhập, tái xuất, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, thuế suất cao… "Thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành rà soát lại những quy định, chế tài pháp luật để sửa đổi phù hợp với thực tế. Đồng thời các địa phương cần kiện toàn lại BCĐ 389 theo hướng xây dựng cơ chế phối hợp giữa trung ương với địa phương cũng như giữa các lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả”- Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
lê nam