Toàn cảnh Hội nghị
Các nhà quản lý, các công ty chủ trì các dự án thành phần, các đơn vị hợp tác, chính quyền địa phương và đại diện nông dân đã tham gia hội nghị.
Chương trình sản xuất kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội huyện Di Linh được sự hỗ trợ về tài chính và kĩ thuật từ Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH và Tập đoàn JDE. Chương trình thực hiện dựa trên một cơ chế hợp tác công - tư giữa UBND huyện Di Linh với các đối tác.
Đại diện các xã tham gia chương trình phát biểu
Mục tiêu của chương trình là hướng tới việc hợp tác, huy động và lồng ghép các nguồn lực từ khối công và tư nhằm tăng cường kiến thức và kỹ thuật cho người nông dân trong việc canh tác và sản xuất có trách nhiệm thông qua các hoạt động như tái canh vườn cà phê già cỗi, hạn chế sử dụng các nguồn nước ngầm như giếng khoan để tưới cà phê; sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp hợp lý; đa dạng hóa cây trồng; giảm chi phí, tăng thu nhập cho hộ dân….
Trong giai đoạn 2018 - 2021, chương trình PPI Compact đã góp phần cùng với UBND huyện Di Linh bảo toàn 84 ngàn ha rừng; không để xảy ra tình trạng mất rừng, giảm 8% các vụ vi phạm lâm luật; tăng 10 ngàn ha diện tích nông lâm kết hợp.
Đại diện Công ty Sucafina phát biểu
Đa dạng sinh học trên vùng trồng cà phê qua các hình thức tăng cường cây che bóng, cây trồng xen từ 5% lên 21%; tăng 7% diện tích cà phê được tưới bằng nguồn nước mặt; giảm 20% lượng phát thải carbon trong sản xuất cà phê trên đồng ruộng. Đặc biệt, đã chủ động loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate.
Giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Di Linh tiếp tục đồng hành cùng Tổ chức IDH, Tập đoàn JDE và 6 công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam triển khai chương trình PPI compact trên 19 xã và thị trấn. Quy mô can thiệp của chương trình trong giai đoạn này là 45.000 ha cà phê và một số loại cây trồng xen khác.
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh phát biểu tại Hội nghị
Mục tiêu chung của chương trình là bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có; duy trì và nâng cao chất lượng che phủ rừng; giảm lượng phát thải carbon trong canh tác cà phê; tăng thu nhập cho nông dân trồng cà phê; xây dựng cơ sở dữ liệu rừng, cơ sở dữ liệu vùng trồng và thực hiện các giải pháp thích ứng với quy định Quy định Chống mất rừng và suy thoái rừng - EUDR.
Giai đoạn 2021 - 2025, dự án đã bảo vệ tốt 82 ngàn ha rừng, không để xảy ra tình trạng mất rừng. Không có trường hợp vi phạm lâm luật phải xử lý hình sự, các vụ việc vi phạm lâm luật phải xử lý hành chính giảm bình quân 20% so với các năm trước.
Chương trình cũng đào tạo được 1.152 cán bộ kĩ thuật, nhóm trưởng (ToT); tập huấn trên 19 ngàn lượt nông dân; 15 ngàn nông hộ tham gia các chương trình chứng nhận bền vững dành cho ngành hàng cà phê; 5.413 nông hộ được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, bảo hộ lao động. Lượng sản phẩm cà phê chứng nhận được các công ty thu mua bình quân đạt 28.825 tấn/ năm.
Nền tảng hợp tác công - tư của chương trình thu hút được sự quan tâm và tham gia của một số nguồn lực khác và đã khích lệ các doanh nghiệp địa phương tham gia tự đầu tư các chương trình chứng nhận; góp phần tích cực vào công tác bảo vệ rừng; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy Di Linh tăng khoảng 12% diện tích vườn trồng xen; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình đã góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cho các nông hộ tham gia.
Bên cạnh đó, Di Linh là một trong những địa phương tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất không gây mất rừng, được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chọn phương pháp tổ chức, công cụ thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu Di Linh làm tài liệu hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng cho ngành hàng cà phê trong cả nước.
Trên toàn bộ địa bàn huyện Di Linh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng; xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm cà phê cũng như quản lý, chia sẻ hệ thống dữ liệu vùng sản xuất. Kết quả khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin vùng sản xuất cho thấy có 45.708 ha; trên 33 ngàn hộ tham gia khảo sát.
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, chương trình PPI Compact nhận được sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị cấp cơ sở và sự tham gia của người dân cũng như sự phối hợp với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi chương trình diễn ra chưa đạt kỳ vọng, cán bộ cấp thôn, tổ dân phố có nơi chưa thực sự nhiệt tình, sâu sát, thiếu trách nhiệm; cán bộ, công chức cấp xã được giao nhiệm vụ chưa có tinh thần trách nhiệm. Một số diện tích đã được khảo sát, dữ liệu địa chính chưa chính xác, đầy đủ nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Ông Trần Nhật Thi cho biết, Di Linh tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp, “đi sâu từng ngõ, gõ từng nhà” những nông hộ chưa được khảo sát để vận động, tuyên truyền các hộ. Phối hợp với toàn thể hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, phụ trách hỗ trợ từng thôn, tổ dân phố. Phối hợp với ngành nông nghiệp, các công ty xây dựng cụ thể lịch trình, thời gian, địa điểm thực hiện việc khảo sát.
Di Linh sẽ tiến hành tích hợp cơ sở dữ liệu vào hệ thống IOC của huyện, thiết lập các vùng sản xuất theo mức độ rủi ro; thiết lập chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đề xuất cơ chế chia sẻ thông tin đảm bảo theo quy định với mục tiêu chống mất rừng để bảo vệ và xây dựng ngành cà phê bền vững.
DIỆP QUỲNH - DUY NHÃ