Chồng nhảy sông tự vẫn vì vợ nghiện mua sắm

Chồng nhảy sông tự vẫn vì vợ nghiện mua sắm
6 giờ trướcBài gốc
Sự việc xảy ra tại thị trấn Ứng A Ngõa Đề, huyện Ô Thập (Tân Cương, Trung Quốc).
Một người dân đi làm sớm phát hiện người đàn ông đứng ngoài ngoài lan can của cây cầu, có vẻ định nhảy xuống sông tự tử, liền báo cảnh sát.
Cảnh sát nhanh chóng đến hiện trường và cố gắng thuyết phục người đàn ông không nên suy nghĩ dại dột. Thế nhưng cuối cùng anh ta vẫn cố chấp nhảy xuống.
Sau khi xem xét tình hình, cảnh sát lập tức chạy về phía hạ lưu để tìm kiếm cứu nạn. Họ tìm thấy người đàn ông ở gần một bờ kè, tay đang nắm chặt mép bờ kè, chờ được cứu giúp.
Để cứu anh ta, cảnh sát phải nhảy xuống sông, buộc một sợi dây vào người đàn ông và kéo vào bờ.
Sau khi trấn tĩnh lại, người đàn ông mới trải lòng với cảnh sát. Theo đó, vợ anh đã lâu không chịu đi làm, ở nhà cả ngày nhưng lại nghiện mua sắm. Không ngày nào cô không đặt hàng trên mạng.
Uất ức, bất lực vì vợ thất nghiệp mà vẫn nghiện mua sắm, người đàn ông ở Tân Cương, Trung Quốc uống rượu say rồi nhảy sông tự tử. Ảnh minh họa
Một mình chèo chống kinh tế gia đình, người chồng không chịu nổi khi thấy hành vi mua sắm của vợ ngày càng vượt quá khả năng cáng đáng của mình. Hai vợ chồng cãi vã liên miên, ngày càng mâu thuẫn sâu sắc.
Càng nghĩ càng uất ức, người chồng uống rượu say rồi nhảy xuống sông tự tử, hy vọng kết thúc chuỗi ngày mệt mỏi, chán nản.
Tuy nhiên sau khi nhảy xuống sông, anh dần tỉnh táo lại và nhận ra sai lầm của mình, may mà vẫn còn kịp.
Sau khi sự việc được làm sáng tỏ, cảnh sát đi cùng người đàn ông trở về nhà để thuyết phục cô vợ bớt mua sắm điên cuồng.
Tâm trạng tốt lên, anh hy vọng vợ sẽ "cai nghiện" thành công, chung tay vun đắp gia đình.
Hôn nhân có thể tan vỡ vì thói quen mua sắm
Dưới góc nhìn khoa học, nghiện mua sắm được gọi là rối loạn mua cưỡng chế hoặc rối loạn chức năng để kiểm soát những cảm xúc khó khăn, tương tự như rối loạn ăn uống và nghiện rượu.
Rối loạn mua cưỡng bức thường liên quan đến trầm cảm, lo lắng, rối loạn lưỡng cực và OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Dấu hiệu nghiện mua sắm bao gồm:
- Thường xuyên chi tiêu nhiều hơn khả năng chi trả.
- Thường xuyên mua sắm như một phản ứng với cảm giác tức giận hoặc chán nản.
- Làm tổn hại các mối quan hệ do chi tiêu hoặc mua sắm quá nhiều.
- Mất kiểm soát hành vi mua sắm.
- Phòng thủ khi được hỏi về thói quen mua sắm.
Hệ lụy của thói nghiện mua sắm khiến tài khoản ngân hàng trống rỗng, thẻ tín dụng bị từ chối, xe bị tịch thu hoặc thậm chí ngôi nhà đang ở cũng bị niêm phong.
Shopping là sở thích không bao giờ có thể lý giải nổi được của các chị em phụ nữ. Ảnh minh họa
Trước khi chứng nghiện mua sắm vùi dập cuộc hôn nhân của bạn, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây của giới chuyên gia.
Nhận trợ giúp chuyên nghiệp
Đặt lịch hẹn với bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu chuyên về chứng nghiện mua sắm thường là bước quan trọng đầu tiên để chẩn đoán và sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác.
Trị liệu cá nhân chuyên sâu thường rất có lợi trong việc kiểm soát cơn nghiện mua sắm.
Một nhà trị liệu sẽ giúp người mua hàng nhận thức được các yếu tố kích hoạt, học các kỹ thuật hỗ trợ điều chỉnh cảm xúc và phát triển các kỹ năng đối phó thay vì mua sắm.
Xem xét liệu pháp cặp đôi
Bởi vì chứng nghiện mua sắm thường rất bí mật, nên khi bạn nhận ra mức độ nghiện mua sắm của vợ/chồng mình, sự phản bội có thể phá hủy niềm tin trong hôn nhân cũng như sự không chung thủy trong tình cảm.
Liệu pháp cặp đôi (hay còn gọi là tư vấn hôn nhân) là một cách an toàn để giải quyết các vấn đề vợ chồng và giúp bạn hiểu rõ các bước tiếp theo tốt nhất cho bạn cũng như đối tác.
Chứng nghiện mua sắm của vợ/chồng bạn có thể là nguyên nhân khiến bạn phải điều trị, nhưng những hành vi tiêu cực của chính bạn cũng có thể gây căng thẳng cho hôn nhân.
Để tránh gây thêm căng thẳng cho cuộc hôn nhân của bạn, bất kỳ loại kế hoạch chi tiêu nào cũng phải được vạch ra với sự giúp đỡ của bác sĩ trị liệu hoặc luật sư.
Một luật sư có thể soạn thảo một thỏa thuận mà hai bạn đồng ý tuân theo cho đến khi người mắc chứng nghiện mua sắm hoàn thành việc điều trị.
Việc vạch ra một thỏa thuận sẽ giúp người vợ/chồng bớt gánh nặng khi trở thành "kẻ xấu" về tiền bạc. Luật sư của bạn cũng có thể đề nghị đưa ra một thỏa thuận sau hôn nhân để bảo vệ tài sản hơn nữa.
Đối mặt sự thật
Các cuộc hôn nhân thường được cứu vãn khi vợ/chồng chấp nhận đối diện với cơn nghiện mua sắm của đối tác.
Nói cách khác, khi các cặp vợ chồng chuyển từ việc coi đối phương là vấn đề sang coi chứng nghiện mua sắm là vấn đề, họ có thể cùng nhau làm việc để biến một mối quan hệ hỗn loạn thành một cuộc hôn nhân lành mạnh.
Theo giới chuyên gia, giúp người bạn đời của bạn kiểm soát việc mua sắm có thể là "món quà" tinh thần tuyệt vời nhất mà bạn có thể trao tặng.
Vấn đề kiểm soát tài chính trong hôn nhân không còn là chủ đề mới mẻ đối với các cặp đôi.
Tuy không lãng mạn, nhưng đây lại là một trong những cách hiệu quả góp phần giữ lửa cho cuộc sống gia đình, theo weinbergerlawgroup.
Tường Vy (t/h)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chong-nhay-song-tu-van-vi-vo-nghien-mua-sam-17225020317123227.htm