Chống thất thu thuế từ hóa đơn điện tử

Chống thất thu thuế từ hóa đơn điện tử
9 giờ trướcBài gốc
Người tiêu dùng thanh toán dịch vụ ăn uống qua tài khoản của doanh nghiệp. (Ảnh THẾ ANH)
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, vẫn còn không ít trường hợp cố tình đối phó nhằm né tránh nghĩa vụ thuế, gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại.
Theo thống kê, hiện thành phố có khoảng 200.000 hộ kinh doanh (chưa tính hộ cho thuê nhà), trong đó khoảng 13.000 hộ thuộc diện bắt buộc dùng hóa đơn điện tử từ ngày 1/6/2025. Đáng chú ý, đến nay đã có hơn 46.000 hộ và doanh nghiệp đăng ký sử dụng, trong đó nhiều hộ không thuộc diện bắt buộc cũng tự nguyện thực hiện. Điều này cho thấy nhận thức và ý thức tuân thủ thuế đang được nâng cao khi có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Những biểu hiện né tránh hóa đơn điện tử tuy không mới, nhưng phản ánh rõ sự trì trệ trong thay đổi tư duy kinh doanh và hạn chế trong công tác hậu kiểm. Việc lách luật không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, khi người tuân thủ bị thiệt thòi so với người trốn tránh nghĩa vụ thuế. Bên cạnh các hành vi đối phó, một số hộ kinh doanh viện dẫn lý do hạn chế công nghệ để giải thích việc chưa triển khai phần mềm hóa đơn điện tử. Tại nhiều vùng ngoại thành, nhiều hộ chưa quen dùng máy tính, thao tác phần mềm hoặc gặp khó khăn về kết nối mạng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở lý do kỹ thuật mà không có nỗ lực cải thiện, thì mục tiêu hiện đại hóa ngành thuế khó đạt hiệu quả. Cốt lõi vẫn là tâm lý ngại thay đổi, né tránh minh bạch doanh thu của một bộ phận hộ kinh doanh.
Tình trạng “né” hóa đơn điện tử vẫn khá phổ biến, nhất là tại các cơ sở ăn uống, làm đẹp, sửa xe, bán hàng online… Nhiều chủ quán chủ động gợi ý khách thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân để tránh phải xuất hóa đơn. Một số nơi còn áp dụng “chiết khấu ngược”, giảm 10% nếu trả tiền mặt, trong khi thanh toán qua tài khoản chính thức lại bị cộng thêm phí. Thậm chí, có cơ sở chia nhỏ giao dịch dưới ngưỡng phải xuất hóa đơn hoặc duy trì hệ thống “hai sổ” nhằm tránh kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Để mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và đơn giản hóa quy trình đăng ký, lựa chọn phần mềm; công bố rõ danh mục phần mềm được phê duyệt, tăng cường tư vấn trực tuyến và hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ, giúp hộ kinh doanh dễ tiếp cận và sử dụng. Công tác giám sát, hậu kiểm cần được tăng cường, ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Thực hiện nghiêm hóa đơn điện tử không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là bước đi chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống thuế minh bạch, số hóa giúp nhà nước điều hành hiệu quả, doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, người dân tăng niềm tin vào chính sách. Để đạt được điều này, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan quản lý và các chủ thể trong nền kinh tế, không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác đơn lẻ.
QUÝ HIỀN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/chong-that-thu-thue-tu-hoa-don-dien-tu-post893682.html