Đây cũng là nhiệm vụ cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ để khơi thông các nguồn lực, tạo niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật liêm chính, minh bạch; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới… Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “Chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật”.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Đức
Bài 1: Biểu hiện nhỏ - tác động lớn
Mặc dù chưa đủ cơ sở để khẳng định, song đã có những biểu hiện tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật có thể gây tác động lớn đến nguồn lực quốc gia. Nhìn nhận và đánh giá rõ những vấn đề này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã đặt quyết tâm phòng, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật.
Nhận diện tiêu cực, “lợi ích nhóm”
Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật dần đi vào nền nếp, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao, góp phần tích cực vào việc ổn định trật tự xã hội, phát triển đất nước về mọi mặt. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, công tác hoàn thiện pháp luật không phải trách nhiệm riêng của một cơ quan nào mà được giao cho tất cả các cơ quan của Quốc hội phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, hoạt động rà soát các quy định được tiến hành với sự tham gia của nhiều cơ quan có liên quan như đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế của các bộ, ngành… Nhờ vậy, tính minh bạch, liêm chính trong xây dựng các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng mức nên chưa đầu tư đúng tầm cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vẫn còn tình trạng lồng ghép, cài cắm lợi ích, “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con” trong các thông tư, nghị định, quyết định…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8-2024) nhìn nhận, qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, thanh tra ban hành, có biểu hiện của “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng pháp luật.
Biểu hiện của tiêu cực, “lợi ích nhóm” có thể nhìn thấy rõ không chỉ qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, thanh tra ban hành mà thông qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2024 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, từ năm 2021 đến tháng 8-2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số quy định được rà soát). Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, những con số nêu trên là tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học; nhưng có thể nói là “chưa vui” vì con số này cho thấy sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.
Hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm” hoàn toàn có thể tác động tới quá trình hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách thông qua việc vận động không chính đáng vào quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua chính sách trong các dự án luật, nghị quyết; việc vận động phát biểu, chất vấn; vận động bỏ phiếu, bầu cử... Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nhận định, những chính sách này tuy mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhưng lại gây thiệt hại to lớn cho lợi ích chung của quốc gia; làm trầm trọng thêm tệ tham nhũng, gây tổn thất, thất thoát lớn về nguồn lực của đất nước; làm băng hoại đạo đức, gây bất bình trong xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ.
Đại biểu thảo luận tại cuộc họp với các đơn vị về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức, tháng 9-2024. Ảnh: Thùy Dung
Không để lãng phí nguồn lực từ thể chế
Kết luận số 19-KL/TƯ ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đặt ra yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
Với quan điểm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27-6-2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đã thực sự là kim chỉ nam nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, bảo đảm nền lập pháp minh bạch, liêm chính. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, trước đây kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật là khó hơn cả, bởi đây là lĩnh vực có những đặc thù nhất định. Xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau… Vì là công trình tập thể, muốn xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa, phải gắn với quan hệ nhân quả, chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình xây dựng.
Sau khi có Quy định số 178-QĐ/TƯ, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ quán triệt rất kỹ về công tác xây dựng pháp luật, nhận diện rõ những dấu hiệu của “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TƯ trong nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sắp tới.
Bên cạnh đó, từ những quan điểm của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, ngay trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra vấn đề tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Tại cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đầu tháng 11-2024, khẳng định thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp cần đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật.
Trong thiết kế các quy định pháp luật, bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy trình liên thông, gắn với trách nhiệm của chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quá trình soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, ban hành văn bản pháp luật. Ngoài ra, khẩn trương tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các tư duy, quan điểm mới trong xây dựng pháp luật.
Trong các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã liên tục yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan quán triệt và thực hiện tốt Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27-6-2024. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quá trình xây dựng chính sách phải bảo đảm không để xảy ra sơ hở, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý nhà nước. “Các đại biểu Quốc hội cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Có thể nói, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật là vấn đề đã được nhận diện. Do đó việc phòng, chống hành vi này được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ đang trong quá trình đổi mới toàn diện tư duy về lập pháp theo yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới.
(Còn nữa)
Tiến Thành