DJ Koo và bà Từ Hy Viên. Ảnh: Sina.
China Times đưa tin ngày 6/2, DJ Koo tuyên bố từ chối thừa kế tài sản của vợ quá cố và giao toàn bộ số tài sản này cho mẹ vợ, bà Hoàng Xuân Mai, xử lý.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự Đài Loan, Trung Quốc, việc này có thể thực hiện với các điều kiện pháp lý nhất định.
Điều 1174 của Bộ luật Dân sự Đài Loan quy định DJ Koo, với tư cách là chồng hợp pháp của Từ Hy Viên, có quyền từ chối thừa kế. Việc từ chối này không có nghĩa là ông có thể chuyển quyền thừa kế của mình trực tiếp cho mẹ vợ. Khi ông từ chối, phần tài sản mà ông đáng lẽ được hưởng sẽ tự động chuyển giao cho những người thừa kế hợp pháp tiếp theo.
Căn cứ Điều 1138 của Bộ luật Dân sự Đài Loan, phần tài sản đó được chia theo thứ tự ưu tiên thừa kế được quy định như sau: Hàng thừa kế thứ nhất là con cái và hậu duệ hợp pháp. Hàng thừa kế thứ hai là cha mẹ của người đã khuất. Hàng thừa kế thứ ba là anh chị em ruột. Hàng thừa kế thứ tư là ông bà nội ngoại.
Như vậy, hai người con của cô sẽ là người thừa kế hợp pháp đầu tiên và được ưu tiên nhận tài sản bất kể tuổi tác.
Vì hai người con ở độ tuổi vị thành niên cần có người quản lý tài sản thừa kế. Theo Điều 1096, người quản lý có thể là cha ruột tức ông Uông Tiểu Phi. Người quản lý không có quyền quyết định làm gì với tài sản thừa kế nếu tòa án không cho phép.
Với trường hợp Từ Hy Viên để lại di chúc hợp pháp chỉ định mẹ của bà là người thừa kế một phần hoặc toàn bộ tài sản, việc phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc. Theo Điều 1187 của Bộ luật Dân sự Đài Loan, di chúc không được vi phạm quyền lợi của những người thừa kế hợp pháp, đặc biệt là con cái. Nếu di chúc không đảm bảo quyền lợi tối thiểu của con cái, họ có thể yêu cầu tòa án điều chỉnh.
Nếu DJ Koo muốn chuyển quyền thừa kế cho mẹ vợ một cách chủ động sau khi đã nhận thừa kế, ông có thể thực hiện thông qua việc tặng, cho tài sản hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Điều này cần sự đồng ý của các bên liên quan và tuân thủ các thủ tục pháp lý về chuyển giao tài sản.
Ở Việt Nam, theo tác phẩm Pháp luật thừa kế ở Việt Nam của PGS.TS Phùng Trung Tập, quyền thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, từ Điều 609 đến Điều 662. Điều 609 đề cập tới quyền tự định đoạt tài sản của cá nhân, cho phép lập di chúc để chỉ định người thừa kế, bao gồm cả tổ chức. Trong trường hợp không có di chúc hợp lệ, tài sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.
Cách xác định hàng thừa kế tại Việt Nam cũng có sự khác biệt so với Đài Loan. Điều 651 Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định ba hàng thừa kế, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Nếu không còn ai trong hàng thừa kế thứ nhất, quyền thừa kế mới chuyển sang hàng thứ hai và thứ ba.
Theo Bộ luật Dân sự Việt Nam (bản in của Nhà xuất bản Lao động), tài sản của một người qua đời không có di chúc sẽ chia đều cho những người cùng hàng gồm vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Trường hợp có con riêng nếu có phát sinh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng vẫn được hưởng thừa kế ở vị trí hàng thứ nhất.
Đức Huy