Tuyên bố này được vị lãnh đạo bộ phận Chrome đưa ra trong phiên tòa do Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng nhằm vào sự độc quyền của Google. Phát biểu tại phiên tòa hôm 25/4, bà Tabriz cho rằng chỉ có Google mới có thể làm được điều trên nhờ vào “mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau” giữa các bộ phận khác của Alphabet. Bà nhấn mạnh rằng Chrome hiện nay là kết quả của 17 năm hợp tác giữa nhóm phát triển Chrome và các đơn vị khác trong Google.
Bà Tabriz cho biết nhiều tính năng của trình duyệt, như chế độ Duyệt web an toàn và hệ thống thông báo cho người dùng khi mật khẩu bị xâm phạm, đều dựa trên cơ sở hạ tầng chung của Google, vốn không chỉ riêng Chrome. Bà cũng khẳng định điều này “không thể được tái tạo” trong suốt nhiều giờ làm chứng tại tòa.
Mối quan hệ gắn kết giữa Chrome và Google
Được biết, trình duyệt Chrome được xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở Chromium do Google phát triển, nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều công ty khác, gồm Meta Platforms, Microsoft và Linux Foundation.
James Mickens, giáo sư khoa học máy tính tại Harvard và là chuyên gia của Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng Google có thể chuyển nhượng quyền sở hữu Chrome cho một công ty khác mà không làm ảnh hưởng đến chức năng của trình duyệt. Ông Mickens cho biết: “Về mặt kỹ thuật, việc thoái vốn khỏi Chrome là khả thi. Có thể chuyển giao quyền sở hữu mà không gây ra quá nhiều xáo trộn”. Trước đây, ông từng là nhân chứng cho Epic Games trong vụ kiện chống độc quyền với Google liên quan đến hệ sinh thái Android.
Mickens lập luận rằng ngay cả khi không còn Chrome, Google vẫn có động lực để tiếp tục đóng góp cho dự án mã nguồn mở Chromium, nền tảng cho trình duyệt của Google và các đối thủ cạnh tranh. Đáp lại, bà Tabriz cho biết Google đã đóng góp hơn 90% mã cho Chromium kể từ năm 2015 và khẳng định: “Google đang đầu tư hàng trăm triệu đô la vào Chromium với khoảng 1.000 nhân viên trong bộ phận của bà tham gia vào dự án này”. Bà cũng lưu ý rằng các công ty khác “hiện không có đóng góp đáng kể nào”.
CTV Kiến An/VOV.VN (biên dịch) Theo 3DNews