'Chú Cuội' Tây Ninh biến tre, trúc thành đồ trang trí đẹp, chân thực đến khó tin

'Chú Cuội' Tây Ninh biến tre, trúc thành đồ trang trí đẹp, chân thực đến khó tin
5 giờ trướcBài gốc
Anh Lê Ngọc Dư (SN 1987, ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh, tỉnh Tây Ninh) được nhiều người biết đến với biệt danh "chú Cuội" nhờ những video hướng dẫn làm sản phẩm thủ công từ chất liệu cây nhà lá vườn, thu hút hàng chục triệu lượt xem trên TikTok.
Những món đồ trang trí thủ công được anh Dư hoàn thiện có vẻ ngoài lạ mắt, tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ nhất, song vẫn toát lên nét đẹp đồng quê mộc mạc nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên quen thuộc của vùng nông thôn như tre, trúc, gáo dừa,…
Anh Dư sáng tạo những món đồ trang trí thủ công lạ mắt từ các chất liệu mộc mạc vùng nông thôn như tre, trúc hay gáo dừa
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Dư cho biết mình “bén duyên” với đam mê làm đồ thủ công mỹ nghệ cách đây vài năm. Thời điểm đó, anh cùng người anh sinh đôi phải tạm gác công việc tạo mẫu tóc vì dịch Covid-19 nên có nhiều thời gian rảnh để nghiên cứu, mày mò “nghề tay trái”.
“Phần vì gia đình không có điều kiện, phần vì có chung sở thích và sự khéo tay nên từ bé, hai anh em mình đã tự làm các món đồ chơi bằng cây cối quanh nhà.
Sau này, sẵn có năng khiếu thẩm mỹ, cả hai tiếp tục học hỏi, tham khảo từ công nghệ và hoàn thiện được thêm nhiều món đồ độc lạ hơn. Dần dần, niềm đam mê với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cả hai cũng được gieo mầm và phát triển từ đó”, anh Dư kể.
Để lưu kỷ niệm và ghi lại quá trình sáng tạo, hoàn thiện các tác phẩm, chàng trai Tây Ninh đã quay video rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Trong đó, có video được đề xuất xu hướng, thu hút hàng chục triệu lượt xem chỉ sau thời gian ngắn đăng tải, ví dụ như video về chuông gió con cò.
Video "chuông gió con cò" của anh Dư gây "bão" mạng, thu hút gần 40 triệu lượt xem trên TikTok
Sản phẩm này được anh Dư lấy ý tưởng từ chuông gió thông thường nhưng sáng tạo thêm về nguyên liệu và kiểu dáng.
Về nguyên liệu, anh sử dụng chất liệu chủ đạo là trúc, giữ nguyên các đặc điểm vốn có của loại cây này và tìm thêm những bộ phận khác của cây có vẻ ngoài gần giống các tạo hình sản phẩm mà anh mong muốn.
“Ví dụ, con cá được tạo hình từ phần gốc cây trúc, giữ nguyên những nét cua, hằn trên bộ phận này của cây để mọi người khi nhìn vào đều biết chất liệu nguyên bản của nó.
Còn con cò cũng làm từ trúc nhưng tinh xảo và kỳ công hơn, phải tỉ mỉ thiết kế từng ‘cọng’ lông cánh, lông đuôi sao cho chân thực và sống động nhất rồi dùng keo kết chúng lại để hoàn thành bộ lông cho cò”, 8X nói.
Sản phẩm chuông gió con cò này được anh hoàn thiện trong gần một tuần, là “phiên bản” nâng cấp từ một mẫu anh từng làm trước đó.
Chàng trai Tây Ninh thường tạo hình các con vật quen thuộc, gắn bó với vùng nông thôn và gợi nhắc tuổi thơ mỗi người như chuồn chuồn, châu chấu, con ong,...
Tùy độ phức tạp và kích cỡ mà mỗi món đồ trang trí thủ công được anh Dư hoàn thiện trong vài ngày, vài tuần hoặc có khi là vài tháng
Anh Dư cho biết, tùy kích cỡ và độ khó mà thời gian hoàn thiện mỗi sản phẩm trang trí thủ công cũng khác nhau. Đối với mẫu phức tạp, anh tốn cả nửa năm mới làm xong vì phải tìm nguyên liệu tre có hình dáng tự nhiên sao cho “đứa con tinh thần” toát lên cái hồn và nét đẹp riêng có.
Tính đến nay, anh đã sáng tạo được hàng chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo từ chất liệu “cây nhà lá vườn” với đủ kích cỡ, hình dáng khác nhau. Có thể kể đến như: Châu chấu, gà trống, long quy,… Trong đó, mẫu “ếch hứng bi” là khó nhất, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian.
Tác phẩm "ếch hứng bi" mà 8X tâm đắc nhất
Tác phẩm King Kong cao 6m làm từ rơm và cỏ tre được Dư cùng anh trai sinh đôi hoàn thiện trong 2 tháng
“Mình vừa phải tìm các phần thân tre có hình dáng uốn cong tự nhiên, vừa tính toán sao cho tác phẩm có độ cân bằng như ý muốn. Việc tìm kiếm các chi tiết phù hợp tốn gần nửa năm mới đủ để hiện thực hóa ý tưởng, làm nên một sản phẩm thủ công độc đáo”, anh Dư cho hay.
Không chỉ thỏa mãn đam mê sáng tạo, anh Dư tiết lộ việc “bén duyên” với các món đồ trang trí thủ công còn đem lại nguồn thu nhập ổn để anh trang trải cuộc sống. Hiện tại, với những sản phẩm độc quyền, anh có thể bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Có khách hàng còn sẵn sàng “xếp hàng”, đặt mẫu trước cả năm để chờ được sở hữu.
Chàng trai Tây Ninh lưu giữ nét đẹp mộc mạc, bình dị của vùng nông thôn Việt Nam qua các món đồ trang trí thủ công
Bên cạnh việc làm các sản phẩm thủ công để có thêm thu nhập, anh Dư còn mong muốn gửi gắm và lan tỏa thông điệp lưu giữ những nét đẹp mộc mạc, bình dị nơi thôn quê.
“Từ thú vui mùa dịch, giờ việc làm các món đồ thủ công này trở thành đam mê của mình, vừa phục vụ sở thích bản thân, vừa có thể tạo ra thu nhập tốt. Mình cũng hi vọng các tác phẩm sẽ được lan tỏa rộng, vượt ngoài lãnh thổ quốc gia để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn về nghề thủ công độc đáo của người Việt Nam”, anh Dư nói.
Anh cũng ấp ủ dự định có thể mở xưởng trong tương lai để truyền đạt kinh nghiệm và đam mê tới những bạn trẻ có chung sở thích, muốn dành sự quan tâm đặc biệt tới nghề làm sản phẩm thủ công.
Ảnh, video: Chú Cuội
Thảo Trinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chu-cuoi-tay-ninh-bien-tre-truc-thanh-do-trang-tri-dep-chan-thuc-den-kho-tin-2322922.html