Chủ đầu tư 'đánh' mạnh thị trường tỉnh

Chủ đầu tư 'đánh' mạnh thị trường tỉnh
4 giờ trướcBài gốc
Một dự án nhà ở đang được triển khai tại huyện Mê Linh. Ảnh: Dũng Minh.
Đồng loạt công bố dự án
Đáng nhất phải kể đến Ecopark khi công bố 3 dự án lớn trong tháng 1/2025. Đầu tiên là dự án Eco Retreat quy mô 220 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An với tổng mức đầu tư trên 13.981 tỷ đồng, chính thức triển khai từ năm 2023 sau khi hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và ra mắt vào đầu năm nay.
Chỉ ít ngày sau khi công bố dự án tại Bến Lức, Ecopark tiếp tục nhận quyết định trúng đấu giá khu đất “vàng” gần 4,3 ha tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk với giá trúng hơn 570 tỷ đồng, đồng thời tiến hành khởi công dự án Khu đô thị ven sông Vinh gần 22 ha tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Tương tự, nhà phát triển bất động sản mới nổi có trụ sở tại Hà Nội là Taseco Land cũng “mở bát” đầu năm bằng việc công bố quyết định chấp thuận đầu tư Khu đô thị mới Mê Linh quy mô 41 ha với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Dự án sẽ khởi công trong năm 2025 và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Taseco Land cũng là nhà thầu duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu 2 quy mô 40,9 ha nằm tại 2 xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và Đồng Sơn, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Tại Lạng Sơn, UBND tỉnh này đã có quyết định giao đất cho liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Chi Lăng - Công ty cổ phần Tập đoàn BGI (mã chứng khoán VC7) để triển khai Khu đô thị phía Đông Nam, thị trấn Đồng Mỏ. Tổng diện tích đất giao tại dự án này là hơn 7,9 ha, trong đó có 3,5 ha đất ở tại đô thị có thu tiền sử dụng đất.
Tại Quảng Ngãi, vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP. HCM (Fideco, mã chứng khoán FDC) đã thông qua chủ trương hợp tác đầu tư dự án Khu dân cư Đồng Rừng - Quảng Ngãi.
Dự án có diện tích hơn 20,4 ha, thuộc địa phận huyện Lý Sơn, đồng thời là khu dân cư đầu tiên trên huyện đảo này.
Tại đây, dự kiến xây dựng 148 căn nhà ở thương mại nằm trên trục đường chính, 328 lô đất ở liền kề; 65 lô đất ở biệt thự; 3,6 ha đất thương mại dịch vụ và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư của dự án gần 663 tỷ đồng, trong đó chi phí mặt bằng chiếm 108 tỷ đồng.
Tại Bình Dương, dự án khu đô thị mới của Kim Oanh Group dự kiến ra mắt vào tháng 3 tới, bao gồm 1.656 căn nhà phố thương mại, liền kề và 1.666 căn nhà ở xã hội với giá khởi điểm khoảng 700 triệu đồng/căn. Đây là dự án đầu tiên Kim Oanh Group hợp tác cùng Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) theo tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế EDGE.
Tại TP.HCM, An Gia Invest đang lên kế hoạch ra mắt 3.000 căn hộ The Gió Riverside ở khu Đông trong quý I/2025, đồng thời tiến hành kết nối, hợp tác với khoảng 30 đại lý phân phối nhằm mở rộng các kênh bán phục vụ kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2025-2026.
Hiện nay, quỹ đất tại các đô thị vệ tinh vẫn còn đa dạng, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, từ năm 2026, do tiền sử dụng đất áp dụng theo bảng giá mới sẽ khiến chi phí gia tăng, do đó quỹ đất sạch vùng vệ tinh sẽ ngày càng khan hiếm và có giá.
Ngoài kế hoạch ra mắt dự án The Gió Riverside, trong 2-3 năm tới, An Gia Invest còn dự kiến triển khai thêm 2 dự án trọng điểm khác là The Lá Village và Westgate 2 với tổng quy mô gần 10.000 sản phẩm.
Bên cạnh rổ hàng mới, thị trường còn chào đón nhiều dự án cũ tái khởi động trong quý I/2025. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) chuẩn bị mở bán sản phẩm tại dự án Khu dân cư Bắc Hà Thanh tại tỉnh Bình Định. Tổ hợp cao ốc Thuận An 1 và 2 tại tỉnh Bình Dương của doanh nghiệp này cũng sắp ra mắt trở lại.
Tương tự, Novaland đã tái khởi động việc xây dựng và lên kế hoạch mở bán dự án Aqua City tại Đồng Nai; Tập đoàn Hưng Thịnh đặt mục tiêu tái khởi động loạt dự án chung cư dang dở tại Đồng Nai, Bình Dương, Quy Nhơn, TP.HCM trong nửa đầu năm nay…
Niềm tin mạnh mẽ về chu kỳ bứt tốc
Động thái đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dự án, thành lập liên minh bán hàng, ký kết với đối tác chiến lược, lên kế hoạch mở bán sản phẩm, triển khai dự án mới… ngay những tháng đầu năm 2025 cho thấy, các doanh nghiệp địa ốc trong tâm thế sẵn sàng bước vào nhịp tăng tốc của thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long cho rằng, 2025 là năm bắt đầu của chu kỳ phát triển mới sau giai đoạn chạm đáy 2023-2024. Ở chu kỳ này, thị trường sẽ minh bạch, bền vững hơn với các luật mới đi vào thực tiễn. Đây cũng là lúc thị trường đi vào thời kỳ trưởng thành, điều mà chúng ta có thể quan sát xu hướng ở các thị trường khác đã đi qua giai đoạn này.
Theo ông Quang, trong chu kỳ mới, hạ tầng sẽ dẫn dắt thị trường vệ tinh quanh các thành phố lớn. Một khi tiềm năng gia tăng, giá trị bất động sản cũng thay đổi. Hiện nay, quỹ đất tại các đô thị vệ tinh vẫn còn đa dạng, giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, từ năm 2026, do tiền sử dụng đất áp dụng theo bảng giá mới sẽ khiến chi phí gia tăng, do đó quỹ đất sạch vùng vệ tinh sẽ ngày càng khan hiếm và có giá. Quỹ đất vệ tinh dự báo được săn đón nhiều hơn, nên giá đất sạch cũng không còn dễ tiếp cận như trước đây.
Thông tin thêm, ông Quang cho biết, Nam Long chuẩn bị mở bán loạt dự án hiện hữu gồm Mizuki Park (26 ha), Waterpoint (336 ha), Izumi City (170 ha), Nam Long II Central Lake (43,8 ha) trong quý I/2025. Ngoài ra, 2 dự án mới là Paragon (Đồng Nai) và dự án đầu tiên tại Hải Phòng đã lên kế hoạch ra mắt trong nửa đầu năm nay.
Theo ông Lưu Quang Tiến - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, tốc độ phục hồi của thị trường sẽ được quyết định bởi khả năng gia tăng nguồn cung của các chủ đầu tư trong năm nay.
Theo đó, ông Tiến đưa ra 3 kịch bản: Kịch bản lý tưởng, nguồn cung mới tăng 40-50%, lãi suất thả nổi dưới 11%/năm, giá nhà sẽ tăng 15-20% và tỷ lệ hấp thụ đạt trên 45%; kịch bản kỳ vọng, nguồn cung mới tăng 30-40%, lãi suất thả nổi dưới 12%/năm, giá nhà tăng 10-15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 40%; kịch bản thách thức, nguồn cung mới tăng dưới 30%, giá nhà vẫn tăng 5-10%, nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức dưới 35%.
Dựa theo nguồn cung dự kiến được công bố từ các chủ đầu tư, ông Tiến cho rằng, năm nay, cả nước sẽ có khoảng 43.300 sản phẩm mới, trong đó miền Nam chiếm 36,2% tổng nguồn cung, miền Bắc và Trung chiếm lần lượt 31,5% và 20,7%. Trên cơ cở đó, nhiều khả năng thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản kỳ vọng.
Ở góc độ khác, theo đánh giá của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, không chỉ dừng ở việc gỡ vướng pháp lý dự án, các doanh nghiệp bất động sản đã thể hiện sự thích nghi tốt khi vượt qua giai đoạn sàng lọc khắc nghiệt trong chu kỳ suy giảm trước đó.
Các doanh nghiệp hàng đầu đã tái cấu trúc hoạt động, tập trung vào các dự án tiềm năng, đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn vốn phục vụ dự án thông qua phát hành cổ phiếu và tín dụng ngân hàng. Kết quả là hàng loạt dự án mới được cấp phép triển khai, từ đó bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, đầu tư công đang được đẩy mạnh và dự báo sẽ tạo ra sức lan tỏa đáng kể khi các dự án hạ tầng đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2026. Giải ngân đầu tư công là một trong các động lực chủ chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025.
Linh Việt
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/chu-dau-tu-danh-manh-thi-truong-tinh-post363025.html