Với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, ông Huỳnh Quốc Tuấn, thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5, phường Kon Tum cho biết, dù có kinh nghiệm 25 năm canh tác, nhưng bản thân cũng gặp không ít khó khăn khi trồng rau màu vụ hè thu. Do mưa nhiều, một số loại rau màu rất dễ dập lá, úng nước; đồng thời làm đất bị nén chặt, nước ngập dẫn đến bị nghẹt rễ, thiếu ô xy, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Trước tình trạng đó, đầu mùa vụ, ông Tuấn chủ động san bồi lại mặt luống cho thông thoáng, cao ráo, thoát nước tốt để rau không bị ngập úng; chọn các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch đưa vào trồng. Áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong khay hoặc túi bầu, vừa tiết kiệm thời gian vừa bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, mau bén rễ. Ngoài ra, ông còn tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giúp đất tăng độ tơi xốp, hạn chế xói mòn và rửa trôi; trang bị thêm mái che để làm giảm tối đa tác động của mưa.
Những ngày qua, nông dân phường Kon Tum tập trung thu hoạch các loại rau màu để tránh mưa lớn làm ảnh hưởng.
Khi mưa nhiều, nông dân trồng rau ở phường Kon Tum còn phải đối mặt với tình trạng sâu bệnh. Trong đó, có một số bệnh hại thường xuất hiện trong thời điểm này như: Thán thư, thối trái, thối nhũn, thối rễ, vàng lá.
Ông Nguyễn Xuân Hải, người trồng rau ở đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Kon Tum cho hay, vào mùa mưa, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, nên rất thuận lợi cho nhiều loại côn trùng, nấm bệnh phát triển. Do đó, tôi thường xuyên thăm ruộng để phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời các đối tượng gây hại, không để dịch bệnh lây lan.
“Để tránh ngập úng khi mưa lớn, tôi chủ động làm luống cao để thoát nước tốt. Cách làm này giúp tôi thành công trong nhiều năm trồng rau trên đất ruộng. Quá trình canh tác, tôi còn phủ rơm khô lên luống ngay sau khi vừa xuống hạt, giúp rau ít bị tác động trực tiếp từ các cơn mưa và bảo vệ bộ rễ”, ông Hải nói.
Nông dân sử dụng nhà lưới hoặc mái che giúp giảm tối đa tác động của mưa.
Hiện nay, phường Kon Tum có hơn 150ha rau màu các loại. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu vụ, UBND phường đã hướng dẫn nông dân chọn các giống rau có thời gian sinh trưởng ngắn đưa vào gieo trồng. Đồng thời, tích cực hướng dẫn nông dân làm luống lên cao, khơi thông rãnh thoát và có biện pháp xử lý khi bị ngập úng cục bộ; khuyến khích người dân sử dụng nhà lưới hoặc mái che giúp giảm tối đa tác động của mưa, gây hư hỏng rau.
Tại xã Đăk Ui, ngày nào nông dân cũng phải ra ruộng từ sáng sớm để tháo nước, chăm sóc rau màu. Trên ruộng dưa chuột gần 2.000m2, ông Trần Thu, ở thôn Đoàn Kết, cẩn thận kiểm tra từng gốc cây non mới trồng được 2 tuần. Do mưa nhiều, 2 ngày nay đều đặn từ 6 giờ sáng, ông ra ruộng và huy động 2 máy bơm hoạt động hết công suất để tiêu thoát nước. Đồng thời, đi từng luống dưa vun đất cho cây nhằm cố định lại những cây bị gió quật đổ.
“Những cây bị đổ sẽ khó sống được, còn những cây bị dập lá, ngọn thì quá trình sinh trưởng cũng bị ảnh hưởng. Theo ước tính, tỷ lệ cây chết chiếm hơn 10%. Tôi hy vọng mấy ngày tới trời không mưa lớn để cây thích ứng, hạn chế thấp nhất thiệt hại”, ông Thu chia sẻ.
Ông Trần Thu kiểm tra, chăm sóc dưa chuột sau mưa lớn.
Gia đình ông Hoàng Minh Phương, ở thôn Đăk Tin, xã Đăk Ui, có 5.000m2 trồng các loại rau màu như: Cải, ớt, dưa chuột, mướp đắng. Ông Phương cho hay, mùa mưa, việc canh tác rau màu vất vả hơn, nhưng bù lại, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập cao hơn, nhờ giảm công tưới nước, bán được giá cao.
Mỗi mùa vụ, gia đình ông Phương đều chủ động đắp bờ bao xung quanh vườn, đánh rãnh thoát nước giữa các luống rau để tránh ngập và thoát nước tốt. Cùng với đó, dự trữ sẵn rơm mục phủ lên mặt luống sau khi xuống giống, tránh tình trạng bị mưa cuốn trôi. Riêng với dưa chuột, mướp đắng phải làm giàn chắc chắn để cây phát triển, quang hợp tốt hơn. Vụ này, gia đình ông Phương dự kiến thu hơn 2 tấn rau.
Theo Chủ tịch UBND xã Đăk Ui Phạm Văn Lập, thời gian qua, xã khuyến cáo nông dân nên chọn nền đất cao ráo, làm đất tơi xốp để tránh bị ngập úng; sử dụng màng phủ nông nghiệp hạn chế ảnh hưởng của mưa dầm và không bị cuốn trôi; cần chuẩn bị nguồn giống để trồng bổ sung những diện tích bị thiệt hại, bảo đảm nguồn cung thị trường. Ngoài ra, mùa mưa dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại, nên bà con chủ động thăm ruộng, vườn và thường xuyên làm cỏ, loại bỏ nơi trú ngụ của côn trùng.
Bài, ảnh: NAY SĂT