Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đơn vị vừa nhận được thông tin của Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Sơn Tây về trường hợp bị chó dại cắn tại phường Ngô Quyền.
Ảnh minh họa.
Theo giám sát của TTYT thị xã Sơn Tây, gia đình chị Hoàng Thị Hiền sinh sống tại số nhà 01, ngõ 550 Chùa Thông, phường Ngô Quyền có nuôi một con chó. Ngày 14/1 con chó đã cắn 5 người (3 người cùng một nhà, một người là hàng xóm, một người hàng ngày chăm sóc chó) và đến tối ngày 17/1, con chó chết.
Chiều ngày 18/1, TTYT thị xã Sơn Tây phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chuyên trách dịch tễ xã phường mang chó đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với dại. Được biết, con chó này được chị Hiền mua cách đây khoảng một tháng, gia đình nuôi chó không xích nhốt.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin, TTYT Sơn Tây cùng trạm y tế phường đã triển khai hoạt động điều tra, giám sát, tư vấn, hướng dẫn tiêm phòng dại đầy đủ cho các trường hợp bị chó dại cắn. Thú y phường đã thông báo đến từng hộ dân có nuôi chó, mèo phải được xích nhốt và tiêm phòng đầy đủ; theo dõi nếu phát hiện có chó, mèo ốm chết phải thông báo cho chính quyền địa phương.
Hiện tại, 4/5 trường hợp đã được tiêm huyết thanh và 2 mũi vắc xin phòng dại, trường hợp còn lại đã được tiêm huyết thanh và 1 mũi vắc xin phòng dại. Cả 5 trường hợp đang được theo dõi sức khỏe tại nhà, hiện tại sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, do nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại như: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Minh Khuê