Ngày 28/4, Cục Viễn thông (Bộ KH&CN) đã đề nghị 5 doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel và Vietnamobile tập trung triển khai một số nội dung công việc để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Đó là, tăng cường phương án đảm bảo thông tin liên lạc; sẵn sàng các phương án, giải pháp xử lý sự cố, ứng cứu thông tin; mở rộng dung lượng kết nối; đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin.
Các nhà mạng được yêu cầu chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc, nhất là tại các khu vực tổ chức lễ hội, bắn pháo hoa, diễu binh, diễu hành và các điểm du lịch đông người. Ảnh minh họa: C.H
Cụ thể, các nhà mạng được yêu cầu phải xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí đầy đủ lực lượng trực vận hành mạng lưới; chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc, nhất là tại các khu vực tổ chức lễ hội, bắn pháo hoa, diễu binh, diễu hành và các điểm du lịch đông người.
Sẵn sàng phương án ứng cứu, xử lý sự cố khẩn cấp liên mạng; đảm bảo phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống phát sinh. Đặc biệt là, tập trung vào phương án, giải pháp sẵn sàng roaming giữa các mạng di động trên cùng địa bàn, đảm bảo ngay khi có sự cố thì kích hoạt roaming để duy trì thông tin liên lạc thông suốt; hạn chế tối đa gián đoạn dịch vụ.
Đồng thời, chủ động thực hiện chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng mạng như cột, trạm BTS, thiết bị truyền dẫn… theo nhu cầu thực tế, bảo đảm tối ưu hóa tài nguyên mạng lưới và đáp ứng nhu cầu kết nối; kịp thời thông tin, báo cáo các tình huống bất thường về Cục Viễn thông để được chỉ đạo, hỗ trợ.
Các doanh nghiệp viễn thông di động cũng được yêu cầu phải chủ động nâng cấp, mở rộng dung lượng đường truyền, băng thông kết nối trong nước và quốc tế để đảm bảo không xảy ra tình trạng nghẽn mạng vào các thời điểm lưu lượng cao.
Đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin là một trong những nội dung được các doanh nghiệp viễn thông di động tập trung. Ảnh minh họa: M.H
Để đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các nhà mạng phải tăng cường giám sát, bảo vệ an toàn hệ thống mạng; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để phát tán thông tin trái pháp luật, lừa đảo trên không gian mạng.
Nội dung công việc Cục Viễn thông vừa đề nghị các nhà mạng tập trung triển khai nghiêm túc, là nhằm thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN tại văn bản 959 ngày 18/4 về việc đảm bảo thông tin liên lạc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2025.
Chỉ đạo ngày 18/4 của Bộ KH&CN với Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel, Vietnamobile, Vishipel, FPT, CMC cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng lưới khác, đã nêu rõ một số nội dung công việc các doanh nghiệp phải tập trung triển khai để đảm bảo thông tin liên lạc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2025.
Một trong những yêu cầu của Bộ KH&CN với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng lưới là phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới viễn thông và Internet để gửi, phát tán thông tin có nội dung trái pháp luật, phát tán virus phá hoại các cổng/trang thông tin điện tử. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, cảnh báo người sử dụng dịch vụ về những hành vi lừa đảo trên không gian mạng của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trên thực tế, những ngày qua, các doanh nghiệp viễn thông, nhất là 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã triển khai các phương án, giải pháp để đảm bảo rằng thông tin liên lạc phục vụ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động 1/5 được thông suốt, an toàn.
Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II thuộc Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ KH&CN) đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tăng cường kiểm soát tần số phục vụ đại lễ 30/4 tại TPHCM. Ảnh: rft.gov.vn
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho đại lễ 30/4, thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ KH&CN) cho hay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực IV, hiện Trung tâm tần số vô tuyến điện Khu vực II đã và đang triển khai kế hoạch kiểm soát chặt chẽ tần số vô tuyến điện tại TPHCM, đặc biệt tại các khu vực diễn ra hoạt động kỷ niệm chính.
Cụ thể, bên cạnh việc huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật hiện đại để thực hiện giám sát 24/7, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II cũng tăng cường kiểm tra hoạt động của các đài vô tuyến điện trong khu vực, nhất là các thiết bị có khả năng gây nhiễu cao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN; Sở VHTT&DL, các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan để đảm bảo hiệu quả công tác.
Mục tiêu Cục Tần số vô tuyến điện, trực tiếp là Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II hướng tới là đảm bảo an toàn, thông suốt cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, điều hành sự kiện, hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình; ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguồn nhiễu có hại, đảm bảo môi trường phổ tần "sạch", an toàn. Qua đó, góp phần vào thành công của các hoạt động kỷ niệm đại lễ 30/4 tại thành phố mang tên Bác.
Vân Anh