Chủ động cho rắn cắn để tìm phương pháp điều trị tốt hơn

Chủ động cho rắn cắn để tìm phương pháp điều trị tốt hơn
14 giờ trướcBài gốc
Tim Friede, ở giữa, trong một phòng thí nghiệm ở Nam San Francisco, California, năm 2023. Ảnh: Centivax
Từ lâu, ông Friede đã có niềm đam mê với loài bò sát và các loài sinh vật có nọc độc khác. Ông từng vắt nọc độc của bọ cạp và nhện như một sở thích và nuôi hàng chục con rắn tại nhà ở bang Wisconsin (Mỹ). Với hy vọng bảo vệ bản thân khỏi bị rắn cắn và và vì “sự tò mò đơn thuần”, ông tiêm cho mình những liều nhỏ nọc rắn rồi sau đó tăng dần liều lượng để tăng khả năng chịu đựng. Sau này, ông còn để rắn cắn trực tiếp.
Phương pháp của ông là theo dõi cách cơ thể hoạt động. Khi hệ thống miễn dịch tiếp xúc với độc tố trong nọc rắn, hệ thống sẽ phát triển các kháng thể có thể trung hòa chất độc. Nếu đó là một lượng nhỏ nọc rắn, cơ thể có thể phản ứng trước khi bị quá tải. Nếu đó là nọc rắn mà cơ thể đã từng thấy trước đây, cơ thể sẽ phản ứng nhanh hơn và xử lý được lượng tiếp xúc lớn hơn.
Ông Friede đã sống sót sau hàng loạt vết rắn cắn và tiêm nọc rắn trong gần 2 thập kỷ qua, nhưng vẫn còn một tủ lạnh đầy nọc độc. Ông đã gửi email cho các nhà khoa học đề nghị họ nghiên cứu khả năng chịu đựng nọc rắn mà cơ thể ông đã tự tạo ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 110.000 người tử vong vì bị rắn cắn nhưng việc sản xuất thuốc giải độc rất tốn kém và khó khăn, chưa kể thuốc thường chỉ có hiệu quả đối với một số loài rắn cụ thể và đôi khi có thể gây phản ứng xấu do được nghiên cứu bào chế từ các loài động vật không có nguồn gốc từ con người. Đến nay, thuốc giải độc chỉ được thử nghiệm trên chuột. Các phương pháp điều trị thử nghiệm cho thấy thuốc chống được nọc độc của rắn mamba và rắn hổ mang lại không có hiệu quả với rắn lục hay rắn đuôi chuông.
Khi nghe về trường hợp của ông Friede, chuyên gia Peter Kwong của Đại học Columbia nói: "Chúng ta có một người rất đặc biệt với những kháng thể tuyệt vời mà ông ấy đã tạo ra trong hơn 18 năm".
Trong một nghiên cứu công bố ngày 2/5 trên tạp chí Cell, chuyên gia Kwong và các cộng sự đã chia sẻ về những việc họ có thể làm với loại máu độc đáo của ông Friede. Họ đã xác định được 2 kháng thể có khả năng trung hòa nọc độc từ nhiều loài rắn khác nhau với mục đích sẽ tìm được phương pháp điều trị mang lại khả năng bảo vệ rộng rãi hơn.
Nhưng hành trình của ông Friede không phải không có những sai lầm. Sau một lần bị rắn cắn, ông đã phải cắt bỏ một phần ngón tay. Và một số vết cắn đặc biệt nghiêm trọng của rắn hổ mang đã khiến ông phải nhập viện. Hiện người đàn ông đặc biệt này đang làm việc cho Centivax, một công ty phát triển phương pháp điều trị rắn cắn. Ông Friede rất phấn khích khi hành trình 18 năm của mình đến ngày nào đó có thể cứu sống nhiều người sau khi bị rắn cắn.
Bích Liên (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chu-dong-cho-ran-can-de-tim-phuong-phap-dieu-tri-tot-hon-20250503133400933.htm