Trước đó, lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông (nay là Lâm Đồng) đã cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện Đại hội.
Tầm nhìn mới, khát vọng mới
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông (nay là Lâm Đồng mới), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo rằng: Công tác chuẩn bị văn kiện đại hội phải “phản ánh được một tầm nhìn mới, khát vọng mới và sứ mệnh mới”, xác lập định hướng phát triển rõ ràng cho 5 – 10 năm tới và xa hơn, trong một không gian phát triển mới, tích hợp giữa cao nguyên, trung du và duyên hải.
Văn kiện không thể là sự chắp nối cơ học từ 3 tỉnh cũ, mà phải mang tính gợi mở, dẫn dắt, có chiều sâu, phản ánh khát vọng phát triển của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng mới. Điều quan trọng, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, là phải “dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật”, chỉ ra rõ các điểm nghẽn, nút thắt trong mô hình phát triển cũ, đồng thời khơi dậy và giải phóng được những tiềm năng mới trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư và tinh thần Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã được tiếp thu, hoàn thiện dựa trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn toàn diện từ 3 tỉnh cũ, với nhiều thay đổi mang tính đổi mới, sáng tạo, hướng đến đột phá. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đánh giá nghiêm túc 12 nhóm hạn chế, xác định rõ 9 nguyên nhân chủ yếu và 3 điểm nghẽn lớn, thể hiện tinh thần tự phê bình cầu thị. Dự thảo cũng rút ra 5 bài học kinh nghiệm thiết thực, có giá trị lý luận và thực tiễn cho giai đoạn phát triển mới.
Về phương hướng, Dự thảo Văn kiện xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 6 nội dung lớn nhằm khai thác tối đa tiềm năng tích hợp vùng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến quy hoạch liên kết vùng, đầu tư hạ tầng giao thông, đổi mới công nghệ, cùng thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Đồng thời, Văn kiện cũng đề ra giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển nền kinh tế của tỉnh Lâm Đồng mới.
Kết hợp hài hòa giữa kế thừa và đổi mới
Song song với chuẩn bị văn kiện, công tác nhân sự cấp ủy các cấp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được tiến hành kỹ lưỡng, đúng quy định, đảm bảo khách quan, công tâm. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sự hài hòa giữa kế thừa và đổi mới, tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm. Tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn cán bộ là phẩm chất, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác, đồng thời gắn chặt giữa nhân sự Đảng và hệ thống chính quyền, đảm bảo sự thông suốt trong điều hành mô hình chính quyền hai cấp.
Tại Hội nghị góp ý Văn kiện diễn ra trước đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng nhấn mạnh vai trò của sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh sau sáp nhập. Bên cạnh việc cụ thể hóa chủ đề, phương châm và nội dung của Đại hội, Văn kiện cần phản ánh tinh thần đổi mới tư duy, phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa chính trị, gắn với các nghị quyết trọng điểm của Bộ Chính trị như Nghị quyết 57, 59, 66, 68.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đất nước là quê hương”, từ đó nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của 3 địa phương sau sáp nhập cần được phát huy mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng đội ngũ cán bộ, vì lợi ích chung của tỉnh và của đất nước.
Từ nay đến thời điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh là giai đoạn “vàng” để hoàn thiện các nội dung trọng tâm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Tổ biên tập Văn kiện và các tổ giúp việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý, đồng thời tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Trung ương. Cùng với đó, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên cần thể hiện tinh thần chính trị cao, đoàn kết, đồng lòng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Việc hoàn thiện văn kiện và công tác nhân sự chất lượng cao sẽ là tiền đề then chốt cho sự thành công của Đại hội, qua đó định hình mô hình phát triển và tổ chức bộ máy vững mạnh trong giai đoạn mới.
Sự sáp nhập 3 tỉnh để hình thành nên tỉnh Lâm Đồng mới là bước đi chiến lược, mang tầm nhìn lâu dài của Đảng và Nhà nước. Để thành công, Đại hội Đảng các cấp cần trở thành “cuộc chuyển tiếp tư duy, tổ chức và đội ngũ” một cách vững vàng, thực chất. Văn kiện phải sắc sảo, đổi mới và có tầm chiến lược; nhân sự phải chọn đúng người, đúng việc, đặt lợi ích chung lên trên hết. Đó chính là tinh thần xuyên suốt trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về định hướng tổ chức cho kỳ Đại hội đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng mới.
Thanh Nhàn