Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các phương tiện di chuyển trên đường 518 (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng
Tuy số vụ vi phạm giao thông đường bộ có giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024, nhưng số vụ vi phạm liên quan đến chạy quá tốc độ vẫn còn nhiều, với hơn 16 ngàn trường hợp. Trong khi đây là một trong những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là khi qua các khu vực nút giao, đường đông dân cư.
Đáng chú ý, Nghị định 168 đã tăng mức phạt với lỗi vi phạm ô tô chạy quá tốc độ, đồng thời trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) thay vì tước bằng lái. Mức phạt quá tốc độ với xe ô tô như sau: quá tốc độ quy định từ 5km/h - dưới 10km/h: phạt từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Quá tốc độ từ 10-20km/h: phạt từ 4-6 triệu đồng, trừ 2 điểm GPLX. Quá tốc độ quy định trên 20-35km/h: phạt từ 6-8 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX. Quá tốc độ quy định trên 35km/h: phạt từ 12-14 triệu đồng, trừ 6 điểm GPLX.
Do đó, để ngăn ngừa lỗi vi phạm liên quan đến tốc độ, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp thiết thực hơn. Trước hết, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có vi phạm liên quan đến tốc độ trên tất cả các tuyến giao thông, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần, ban đêm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng mật độ kiểm soát thông minh qua hệ thống camera giám sát giao thông; kết nối dữ liệu thời gian thực về trung tâm để xử “phạt nguội”; đồng thời gắn biển báo giới hạn tốc độ rõ ràng, đặt biển nhắc lại sau mỗi đoạn đường dài; bổ sung gờ giảm tốc, vòng xuyến nhỏ, làn rẽ chậm ở khu dân cư, trường học; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm về tốc độ, hậu quả của hành vi vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông…
Người điều khiển phương tiện giao thông cần nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến giao thông, trong đó có các quy định về tốc độ. Theo đó, cần thực hiện nghiêm: không phóng nhanh, vượt ẩu; tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia; không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, không lấn làn; luôn chú ý quan sát, giảm tốc độ tại những đoạn đường giao nhau, đường cong, trơn trợt; dùng app quản lý hành trình cá nhân để điều chỉnh tốc độ kịp thời... Có như vậy, mới hạn chế đáng kể các lỗi vi phạm liên quan đến tốc độ bền vững.
An An