Tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cao được phát huy mạnh mẽ, từ việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, tổ chức tuyên truyền đến huy động lực lượng tại chỗ sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư chính là yếu tố then chốt giúp hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ an toàn cuộc sống và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.
Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phúc:
Nhiệm vụ trực tiếp, ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương
Xã Đa Phúc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 xã cũ thuộc huyện Sóc Sơn, với địa bàn trải dài ven sông Cầu và có sông Cà Lồ chảy qua. Địa hình phức tạp, gồm vùng bãi, vùng trũng và khu dân cư phân tán, khiến công tác phòng, chống thiên tai luôn ở mức cảnh báo cao.
Trên địa bàn hiện có nhiều đoạn đê, kè, cống được xác định là trọng điểm xung yếu cấp thành phố, trong đó đáng chú ý là khu vực từ K24+950 đến K25+300 đê hữu Cầu - nơi từng xuất hiện vết nứt và có nguy cơ phát sinh sự cố khi mực nước lũ vượt mức báo động cấp II.
Ngay sau khi thành lập chính quyền hai cấp, xã Đa Phúc xác định việc bảo vệ đê điều không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và thành phố, mà còn là nhiệm vụ trực tiếp, ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương.
Hiện xã đang khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; phân công rõ nhiệm vụ, địa bàn cho từng thành viên; tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm, xung yếu. Đồng thời, xã cũng kiểm tra vật tư, phương tiện, củng cố lực lượng xung kích nhằm sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Với những đoạn đê có nguy cơ cao xảy ra sự cố, xã Đa Phúc tiếp tục phối hợp với Hạt Quản lý đê số 8 tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu. Song song, địa phương đang rà soát các hộ dân sinh sống ven đê, vùng bãi sông để xây dựng kịch bản sơ tán, chuẩn bị phương án hậu cần và lực lượng chi viện liên thôn trong các tình huống khẩn cấp.
Xã Đa Phúc cũng kiến nghị Thành phố sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng chân đê, bổ sung vật tư dự phòng cho cấp xã và tổ chức các lớp tập huấn xử lý sự cố thực tế cho lực lượng tại chỗ. Bảo vệ trọng điểm xung yếu không thể chỉ trông chờ vào cấp trên, mà phải bắt đầu từ sự chủ động của chính quyền cơ sở và tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, từng khu dân cư.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai:
Đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi phương án
Những năm gần đây, xã Xuân Mai thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai và sự cố kèm theo. Đặc biệt trong năm 2024, mưa lớn và lũ rừng ngang từ thượng nguồn Hòa Bình đổ về đã gây ngập sâu kéo dài tại các khu dân cư ven sông Bùi, sông Tích.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay, xã xác định thực hiện hiệu quả chủ trương chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó và khẩn trương khắc phục theo nguyên tắc “bốn tại chỗ”.
Về chỉ huy tại chỗ, xã đã ban hành các quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Cán bộ phụ trách địa bàn phải nắm chắc từng hộ dân, đánh giá khả năng ứng phó của mỗi gia đình để xây dựng kịch bản phù hợp, tránh bị động khi xảy ra tình huống.
Về lực lượng tại chỗ, nòng cốt là dân quân, công an và thanh niên xung kích. Khi có sự cố, lực lượng này sẽ nhanh chóng triển khai phương án sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ tài sản của người dân.
Về vật tư, phương tiện, xã đã ký hợp đồng nguyên tắc với các hộ kinh doanh và đơn vị có phương tiện cơ giới, vật tư chuyên dụng để huy động khi cần thiết. Người dân ở những vùng thường xuyên ngập lụt như Nhân Lý, Nam Hài, Tân Trượng... hầu hết đều tự trang bị thuyền nhỏ, sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau.
Về hậu cần, xã dành nhiều thời lượng trong chương trình phát thanh tuyên truyền để bà con chủ động dự trữ lương thực, đèn pin, thuốc men khi có thiên tai hoặc sự cố xảy ra.
Với phương châm “dựa vào dân là chính”, Xuân Mai luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi phương án. Mỗi hộ dân biết cách tự bảo vệ mình, đồng thời hỗ trợ người khác, đó là nền tảng quan trọng giúp xã giữ vững thế chủ động trong mùa mưa lũ.
Ông Kim Văn Tạc, người dân thôn Phú Mỹ (xã Trần Phú):
Không để xảy ra khoảng trống, không để ai bị bỏ lại phía sau
Là người dân sinh sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang đổ về từ thượng nguồn, tôi và bà con nơi đây hiểu rõ mức độ nguy hiểm cũng như thiệt hại mà thiên tai gây ra.
Năm nào cũng vậy, chỉ cần vài trận mưa lớn kéo dài, nước sông Tích, sông Bùi và hồ Văn Sơn lại dâng nhanh, tràn bờ, cuốn theo bùn đất và rác thải. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, cây trồng, mà việc đi lại, sinh hoạt, đưa đón con cháu đến trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính vì vậy, bà con chúng tôi không còn tâm lý ỷ lại vào chính quyền hay chờ cứu trợ như trước. Người dân nơi đây đã có kinh nghiệm chủ động phòng tránh: Theo dõi thông tin thời tiết hằng ngày, kiểm tra mái nhà, che chắn tường bao, kê cao đồ đạc; chuẩn bị thuyền nhỏ, đèn pin, mì tôm, thuốc men... để sẵn sàng ứng phó khi ngập sâu kéo dài. Nhiều hộ còn tình nguyện phối hợp cùng lực lượng xung kích tại địa phương dọn dẹp rác ở cống rãnh, gia cố bờ bao, theo dõi sát diễn biến đê điều, hồ đập.
Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn nhất vẫn là sớm có lực lượng chỉ huy chuyên trách, với sự phân công rõ ràng, trách nhiệm cụ thể. Xã cần tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân, để ai cũng biết phải làm gì và giúp được gì cho hàng xóm khi tình huống xảy ra. Thiên tai không chờ đợi và cũng không khoan nhượng. Giữ an toàn không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn là trách nhiệm của từng người dân.
Chúng tôi sẵn sàng góp sức, chỉ cần được hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời và có người đồng hành. Không để xảy ra khoảng trống nào, không để ai bị bỏ lại phía sau - đó là mong mỏi lớn nhất của người dân chúng tôi lúc này.
Kim Nhuệ lược ghi