Chủ động phòng bệnh cúm mùa, tránh biến chứng nguy hiểm

Chủ động phòng bệnh cúm mùa, tránh biến chứng nguy hiểm
3 giờ trướcBài gốc
Biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân cao tuổi mắc cúm
Hiện nay, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiếp nhận điều trị 10 bệnh nhân mắc cúm, chủ yếu là cúm A, trong đó 4 bệnh nhân nặng đều cao tuổi, có bệnh nền và biến chứng viêm phổi.
Bác sỹ trao đổi với người bệnh về tình trạng bệnh.
Ông Lê Thế Thảo, 65 tuổi ở tổ 27, phường Kim Tân sau khi có biểu hiện sốt, ho đã đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi làm các xét nghiệm, ông Thảo có kết quả cúm A kèm viêm phổi. Bệnh khiến ông mất ngủ do ho nhiều, mệt mỏi.
Cùng phòng điều trị với ông Thảo là bà Nguyễn Thị Định ở tổ 13, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai nhập viện điều trị ngày 3/2. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A, bà Định được chuyển điều trị từ Khoa Nội đến Khoa Truyền nhiễm. Bệnh với triệu chứng nặng khiến bà ho nhiều đến khó thở và sốt cao trên 40 độ.
Bác sỹ thường xuyên thăm khám, theo dõi tình trạng của người bệnh.
Bác sỹ Vàng Thị Quỳnh, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Thời điểm cao điểm, khoa chúng tôi tiếp nhận từ 17 đến 20 bệnh nhân mắc cúm điều trị. Trường hợp phải nhập viện do cúm thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, tiểu đường. Bệnh nhân phải uống những thuốc suy giảm miễn dịch, ức chế miễn dịch có nguy cơ trở nặng hoặc nguy cơ biến chứng cao. Người bệnh nên đi khám để bác sỹ phát hiện sớm biến chứng, điều trị kịp thời. Bệnh nhân cao tuổi mắc cúm đã có biến chứng viêm phổi sẽ phải điều trị kháng sinh, phòng bội nhiễm, thời gian điều trị kéo dài hơn.
Theo bác sỹ Quỳnh, để phòng bệnh cúm, người dân giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Ngoài ra, những bệnh nhân miễn dịch kém nên tiêm phòng cúm hằng năm trước thời điểm giao mùa khoảng 1 - 2 tháng để có miễn dịch.
Bệnh nhi mắc cúm gia tăng
Trong 2 tháng gần đây, bệnh nhi mắc cúm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh gia tăng. Bệnh nhân mắc cúm chiếm 1/3 lượng bệnh nhân điều trị trong khoa, chủ yếu là dưới 2 tuổi. Hiện tại, bệnh viện có 12 bệnh nhi mắc cúm đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và 1 bệnh nhân nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Bác sỹ khám cho bệnh nhi.
Chị Lý Thị Hồng Sen ở tổ 12, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai chăm sóc con gái Vũ Quỳnh Nhi. Chị Sen cho biết: Con tôi có biểu hiện sốt nên tôi cho con nhập viện và được chẩn đoán mắc cúm A. Thời gian qua, tôi xem tin tức thấy bệnh cúm chuyển biến nhanh nên khi con có biểu hiện bệnh, tôi đưa con vào bệnh viện khám, điều trị để yên tâm hơn.
Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm triển khai tốt các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định. Những bệnh nhi mắc cúm được phân khu riêng, điều trị cùng phòng tránh tình trạng lây nhiễm chéo với những bệnh truyền nhiễm khác đang điều trị tại khoa như: sởi, tiêu chảy... Nước sát khuẩn tay được bố trí tại cửa các phòng bệnh. Cán bộ y tế cũng thường xuyên nhắc nhở người nhà bệnh nhi thực hiện các biện pháp phòng bệnh và chăm sóc trẻ. Đặc biệt, trong thời điểm rét đậm như hiện nay, Khoa Truyền nhiễm bố trí đầy đủ chăn, đệm, giữ ấm cho bệnh nhi trong quá trình điều trị nội trú.
Người nhà bệnh nhân thực hiện biện pháp phòng lây nhiễm.
Bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Triệu chứng đầu tiên của cúm là sốt rất cao, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, rất mệt mỏi, trẻ em sốt li bì, khi sốt cao có thể dẫn đến co giật, ngoài ra có biến chứng viêm phổi. Viêm phổi có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng đối với trẻ có hệ miễn dịch yếu.
Theo bác sỹ Hoàng Tùng, để phòng bệnh cúm cần có biện pháp cách ly giữa người mắc cúm với người khỏe mạnh, đặc biệt là đối tượng trẻ em và người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch; sát khuẩn tay, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và thực hiện tiêm phòng, nâng cao thể trạng để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 6000 ca mắc cúm, tăng hơn 1.500 ca so với cùng kỳ. Hiện nay, diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông - Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu khi mắc cúm nguy cơ diễn biến nặng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh Lào Cai đang triển khai theo dõi, giám chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có cúm và các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội xuân để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Khuyến cáo của Bộ Y tế, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Phương Thảo
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/chu-dong-phong-benh-cum-mua-tranh-bien-chung-nguy-hiem-post397098.html