Chủ động phòng bệnh liên cầu lợn từ bữa ăn hàng ngày

Chủ động phòng bệnh liên cầu lợn từ bữa ăn hàng ngày
12 giờ trướcBài gốc
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Huế (CDC Huế), tính đến ngày 22/7, TP. Huế đã ghi nhận 39 trường hợp dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (gây bệnh LCL), trong đó có 2 ca tử vong và 3 trường hợp nặng xin xuất viện. Các ca bệnh phân bố rải rác và chưa xác định rõ mối liên hệ dịch tễ, khiến công tác kiểm soát và khoanh vùng gặp không ít khó khăn.
Viện Pasteur Nha Trang, Tổ chức FAO và WHO làm việc với CDC Huế về tình hình bệnh liên cầu lợn trên địa bàn
Cẩn trọng từ chợ đến gian bếp
Sự gia tăng ca bệnh khiến thị trường thịt lợn tại Huế từng rơi vào trạng thái trầm lắng. Tuy nhiên, từ ngày 20/7, sức mua bắt đầu phục hồi khi người dân ổn định tâm lý, quay lại với thói quen sử dụng thịt lợn trong bữa ăn.
Chị Hoàng Thị Oanh, một tiểu thương lâu năm ở chợ Hai Bà Trưng (phường Thuận Hóa) chia sẻ: “Tôi chỉ nhập thịt từ các lò mổ uy tín có dấu kiểm dịch, và luôn tuân thủ quy trình chế biến vệ sinh: sử dụng riêng dao, thớt cho thịt sống và chín, đeo găng tay khi sơ chế. Hiện, một số người dân đã quay trở lại tiêu thụ thịt lợn, song sức mua chưa cao”.
Tại phường Vỹ Dạ, chị Trần Thị Thu, một người nội trợ cho biết, sau khi được cán bộ y tế phường đến tuyên truyền, chị đã yên tâm sử dụng thịt lợn trở lại. “Chỉ cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh, lòng lợn tái, đeo găng tay khi sơ chế và mua thịt có dấu kiểm dịch là có thể an toàn”, chị Thu khẳng định.
Bà Võ Thị Anh Thư, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh LCL, phường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan. Trong đó, đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt lợn tại các chợ truyền thống và hộ dân. Lực lượng công an, trạm y tế cùng các tổ dân phố phối hợp điều tra dịch tễ các trường hợp có liên quan đến ca bệnh, nhằm khoanh vùng, xử lý kịp thời và ngăn chặn lây lan ra cộng đồng.
Đoàn công tác của CDC Huế và Viện Pasteur Nha Trang điều tra nguyên nhân, các yếu tố mắc bệnh tại các hộ gia đình có người mắc liên cầu lợn
Thay đổi thói quen hằng ngày
Theo BSCKII Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC Huế, bệnh LCL là một loại nhiễm trùng cấp tính có thể gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn gây bệnh tồn tại ở lợn mang mầm bệnh, đặc biệt phổ biến trong tiết và nội tạng chưa được nấu chín kỹ.
“Để phòng tránh bệnh LCL, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt tái, lòng lợn chưa được nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc chết bất thường. Khi chế biến thực phẩm, cần đeo găng tay, khẩu trang và rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt sống. Thịt lợn mua về phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y”, BS Tâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, những người có vết thương hở cần đặc biệt lưu ý: phải băng kín hoặc sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống. Dụng cụ chế biến như dao, thớt cần được phân biệt rõ giữa thịt sống và thịt chín để hạn chế nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn.
Các quầy thịt lớn ở chợ Hai Bà Trưng đã mở cửa trở lại sau nhiều ngày tạm nghỉ vì bệnh liên cầu lợn
Để phòng tránh LCL, thời gian qua ngành y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế, đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ về biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh LCL. Những trường hợp nghi nhiễm được báo cáo, điều tra dịch tễ và xử lý kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan.
Cùng với đó, mới đây CDC Huế đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và các chuyên gia của tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá nguy cơ bệnh LCL, tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát bệnh từ góc nhìn tổng thể giữa “Người - Động vật - Môi trường”. Một trong những nỗ lực quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, không quay lưng với thịt lợn, vốn là nguồn thực phẩm chủ lực trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình.
Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang nhấn mạnh: “Để công tác phòng, chống bệnh hiệu quả cần sự phối hợp liên tục, liên ngành, liên vùng từ tuyến Trung ương đến địa phương. Tất cả thông tin về bệnh cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ để người dân hiểu đúng và hành động đúng. Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chuyên môn, sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền và sự thay đổi trong nhận thức của người dân, bệnh LCL hoàn toàn có thể được kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả”.
BSCKII Nguyễn Lê Tâm nhấn mạnh, không ai khác, chính người dân là tuyến đầu trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng trước nguy cơ từ bệnh truyền nhiễm. Từ việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ quy trình vệ sinh trong chế biến, đến ý thức không sử dụng các món ăn nguy cơ cao như tiết canh, lòng tái… tất cả đều góp phần thiết thực ngăn ngừa bệnh LCL lây lan.
Dù thị trường thịt lợn có lúc “đóng băng” vì nỗi lo bệnh, nhưng khi hiểu đúng và làm đúng, người dân hoàn toàn có thể yên tâm tiếp tục sử dụng loại thực phẩm thiết yếu này một cách an toàn.
Bài, ảnh: Thanh Hương
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/doi-song/chu-dong-phong-benh-lien-cau-lon-tu-bua-an-hang-ngay-155940.html