Chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân

Chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân
4 giờ trướcBài gốc
Chỉ đạo khống chế kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm
Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch và điều trị kịp thời; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Liên tục rà soát nhằm đảm bảo nhu cầu về thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã về giám sát, phòng chống dịch, nâng cao chất lượng phát hiện, xử lý, dập dịch kịp thời. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại những điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ngành y tế chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch, đa dạng hóa hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ở các địa phương, Trung tâm Y tế các huyện, Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mới nổi, tái nổi và hoạt động kiểm soát bệnh tật trên địa bàn tỉnh.
Giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp tiêu chảy nghi do Lỵ trực trùng tại xóm Chè Lỳ B, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm).
Trong năm 2024 ghi nhận 1 số ca bệnh truyền nhiễm rải rác được y tế cơ sở giám sát, xử lý kịp thời không để lây lan thành dịch. Từ ngày 29/4 - 20/6/2024 trên địa bàn huyện Bảo Lâm ghi nhận 159 trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn đường ruột (lỵ trực khuẩn, Ecoli). Ngành y tế đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cử đoàn công tác đến nhà có ca nghi mắc bệnh để kiểm tra, giám sát, điều tra xác minh và hỗ trợ công tác phòng, chống và xử lý ổ dịch tại nơi xảy ra ca bệnh. Tổ chức thực hiện khử khuẩn, khử trùng dụng cụ chứa nước sinh hoạt cho các hộ gia đình, lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước, mẫu bệnh phẩm; huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương để khống chế, dập dịch, kết quả đến ngày 28/6/2024 các trường hợp mắc đều được điều trị khỏi, không có trường hợp tử vong.
Ngày 23/11/2024, ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm), Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo khẩn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giao nhiệm vụ cho đoàn công tác của Sở Y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện Bảo Lạc kịp thời đến triển khai hỗ trợ địa phương các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 26/11/2024, Đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục đến giám sát hỗ trợ hướng dẫn bồi dưỡng kiến thức cho các viên chức y tế huyện Bảo Lâm về công tác dự phòng, điều trị bệnh bạch hầu. Sau gần 1 tuần từ khi ghi nhận trường hợp tử vong không ghi nhận ca nhiễm mới.
Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh
Trong tháng 9/2024, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, thuốc thiết yếu đáp ứng kịp thời yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ hội nghị diễn ra an toàn. Phối hợp với Bệnh viện 199 - Bộ Công an tổ chức lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, diễn tập các phương án bảo đảm y tế phục vụ Hội nghị, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tai nạn, ngộ độc hàng loạt. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện rầm rộ tại một số quốc gia trên thế giới. Để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngành y tế đã tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, sởi, rubella và kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm cho 96 công chức, viên chức y tế thực hiện nhiệm vụ tại Hội nghị. Giao nhiệm vụ cho các kiểm dịch viên sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu bảo đảm công tác y tế cho đại biểu, khách nhập cảnh đến Cao Bằng. Thành lập các tổ thường trực phòng, chống dịch từ cấp tỉnh đến cấp xã trong thời gian diễn ra Hội nghị. Kết quả triển khai nhiệm vụ đảm bảo công tác y tế phục vụ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương được diễn ra an toàn tuyệt đối, không xuất hiện ổ dịch, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không có sự cố về y tế và sự cố mất an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh tình hình triển khai công tác y tế ứng phó bão số 3. Ảnh: Trung Thủy
Cơn bão số 3 đi qua đã làm thiệt hại nặng nề cho tỉnh. Để chủ động công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ theo phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó”, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, Thành phố đánh giá tổng thể các nguồn nước sinh hoạt, nước uống, các điểm bị ngập úng, sạt lở tại các xóm, xã, huyện, số nhà tạm, số lán trại để có các biện pháp xử lý hiệu quả đối với từng nhóm cụ thể. Xây dựng kế hoạch, thành lập các đội cơ động xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; triển khai các hoạt động tập huấn hướng dẫn phun khử khuẩn môi trường, hóa chất diệt côn trùng, xử lý nước sạch, xử lý môi trường do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng cho viên chức Trung tâm Y tế các huyện, Thành phố. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm.
Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm để xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát, lây lan ra cộng đồng. Kết quả đã thực hiện phun khử khuẩn môi trường và xử lý nước tại 22 xã của các huyện với trên 2.000 hộ gia đình, trường học, nhà văn hóa, khu vực lán di dân và xử lý nguồn nước tại 105 hồ chứa nước, bể chứa nước tập trung và lu, vại, bể chứa nước của trên 1.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực phòng, chống dịch
Sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được đầu tư 30 tỷ đồng xây mới 1 tòa nhà 4 tầng, sửa chữa khu nhà 4 tầng và mua sắm nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám tư vấn dự phòng phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại công đồng. Việc có một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hiện đại, xứng tầm, góp phần nâng cao năng lực cho việc giám sát, phát hiện và kiểm soát các dịch bệnh trên địa bàn, qua đó, góp phần vào chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bế Thị Bạch cho biết: Với các giải pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương trong tỉnh được theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan và bùng phát. Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Y tế, năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh.
Mai Hoa
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-3175620.html