Sự thuận lợi ấy được chúng tôi cảm nhận, khi tận mắt chứng kiến ở thời điểm hiện tại, phần lớn các hồ chứa trong tỉnh đều cơ bản đầy đủ nước. Dọc các tuyến kênh thủy lợi, nguồn nước tưới đang được phục vụ đến người dân. Bà con nhờ chủ động được nguồn nước tưới, tích cực chuẩn bị xuống giống lúa mới và lấy nước tưới cây ăn trái, cây lâu năm, đảm bảo năng suất, hiệu quả.
Nguồn nước tưới được chuyển qua kênh thủy lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho thấy, nhờ nguồn nước thuận lợi hơn năm ngoái, đã góp phần bảo đảm cung cấp phục vụ sinh hoạt cho nhân dân đến 30/6/2025. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tưới vụ hè thu năm 2025 theo kế hoạch với tổng diện tích 46.118 ha. Trong đó, cây lúa và cây màu 30.764 ha, cây thanh long 12.839 ha, cây ăn trái 2.111 ha, nuôi trồng thủy sản 404 ha.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thực tế hiện nay diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường. Do đó, đòi hỏi các ngành và địa phương phải chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Đáng chú ý, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch, các địa phương cần thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Ngoài ra, người dân trong tỉnh chủ động sử dụng nước tiết kiệm, triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước.
Nông dân chủ động sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang tận dụng tối đa nguồn nước trên các lưu vực sông, suối, tích trữ vào các hồ chứa thủy lợi, ao, bàu, đập dâng, kênh trục chính, dự trữ phục vụ chống hạn. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du từ 2 nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận, tổ chức sử dụng hiệu quả nguồn nước này. Song song, nạo các cửa lấy nước tại đầu mối các hệ thống công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống kênh mương để tăng khả khả năng lấy nước, dẫn nước, cấp nước phục vụ chống hạn.
Một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp đề cập thêm, đó là phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, bảo vệ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn. Cùng với các địa phương rà soát, xác định, cảnh báo các vùng, khu vực không chủ động được nguồn nước và có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Qua đó, tham mưu các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh thời vụ sản xuất bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn nước.
Hồ chứa tương đối đầy nước.
Tuyệt đối không gieo trồng ở các vùng, khu vực không chủ động được nguồn nước. Các địa phương cũng khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, sử dụng ít nước tưới. Bên cạnh, vận động nhân dân các giải pháp dự trữ nguồn nước, dẫn nước, cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất như đào ao, đào, khoan giếng, nạo vét sông, suối, hệ thống kênh nội đồng, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến trên sông, suối…
Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh khoảng 183,95/366,43 triệu m3, đạt 50,2% dung tích hữu ích thiết kế (cao hơn cùng kỳ năm 2024 là 67,04 triệu m3). Tổng lượng nước tại hồ thủy điện Hàm Thuận 359,42/522,50 triệu m3, đạt 68,8% dung tích hữu ích thiết kế (cao hơn cùng kỳ năm 2024 là 17,57 triệu m3) và hồ thủy điện Đại Ninh 177,03/251,73 triệu m3, đạt 70,3% dung tích hữu ích thiết kế (cao hơn cùng kỳ năm 2024 là 30,06 triệu m3).
KIỀU HẰNG