Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo nhiều loại sâu, bệnh trên lúa có thể xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Cụ thể, từ ngày 18 đến 28/01/2025 (nhằm ngày 19/12-29/12 Âm lịch), rầy nâu sẽ nở rộ trên diện rộng, tập trung vào giai đoạn lúa đòng trỗ - chín. Đây là giai đoạn lúa rất nhạy cảm với sự tấn công của rầy nâu, nếu không được kiểm soát kịp thời, rầy nâu có thể gây hại nặng, làm giảm năng suất và chất lượng lúa. Bên cạnh rầy nâu, các loại sâu bệnh khác như bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, sâu năn,… cũng có thể gây hại cho lúa trong thời gian này.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng khuyến cáo nông dân cần chú ý quản lý bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt trên lúa giai đoạn trỗ chín bằng những loại thuốc đặc trị và phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” khi phun xịt để đạt hiệu quả cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan, Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh hại trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo đó, Sở đề nghị, các đơn vị trực thuộc Sở, UBND các địa phương tập trung tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp các cấp nhằm chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa ĐX trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khảo sát tình hình sâu, bệnh trên lúa Đông Xuân 2024-2025 tại xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa
Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình sinh vật gây hại để cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại hiệu quả. Tập trung khai thác hệ thống bẫy đèn thông minh, đặc biệt lưu ý rầy nâu, sâu năn trên lúa. Duy trì báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất và sinh vật gây hại cây trồng hàng tuần.
Ngoài ra, chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và các đối tượng sinh vật gây hại chính trong dịp Tết Nguyên đán tại các khu vực cụ thể để nông dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối tránh tình trạng nông dân phun thuốc phòng để an tâm ăn tết.
Riêng đối với các địa phương có các loại cây trồng khác như cây rau, cây thanh long, cây chanh,... cần theo dõi sát diễn biến sinh vật gây hại đặc thù trên các loại cây trồng này và hướng dẫn biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả./.
Bùi Tùng