Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra
Từ năm 2024 đến ngày 11/5/2025, trên địa bàn huyện Thuận Châu đã xảy ra nhiều đợt thiên tai làm ảnh hưởng và thiệt hại năng nề về công trình giao thông, thủy lợi; nhà cửa, cây cối hoa mày, vật nuôi của người dân… ước tính thiệt hại gần 190 tỷ đồng.
Mưa lũ làm nhiều diện tích lúa của xã bản Lầm, huyện Thuận Châu bị ảnh hưởng. Ảnh PV
Tại xã Bản Lầm từ năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của thiên tai, đã có 6 người bị thương vong; hơn 90 ha lúa ruộng, 83 ha cà phê bị vùi lấp; 13,8 km đường bị xói mòn; 6 cầu qua suối, 10.761 m đường ống nước, 1.154 m mương bị cuốn trôi, hư hỏng, nhiều gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Ông Lường Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, thông tin: Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, xã đã chỉ đạo thống kê, rà soát đánh giá mức độ thiệt hại. Tổ chức khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng sản xuất nông nghiệp, kiểm tra thực tế, thống kê nắm bắt tình hình thiệt hại để tổng hợp đề xuất hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều đơn vị thiện nguyện đến thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai.
Các lực lượng giúp người dân xã Phổng Ly, huyện Thuận Châu di chuyển nhà cửa bị ảnh hưởng do mưa lũ năm 2024.
Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 25/3/2025, một số xã trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa to kèm gió lốc, gây thiệt 341 ngôi nhà của hộ dân; gần 8 ha cây ăn quả và 50 ha cây cà phê, 10 ha chè..., ước tính thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Mặc dù không gây thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng tới nhà ở và diện tích cây ăn quả trong thời gian ra hoa, đậu quả.
Ông Quàng Văn Cấp, bản Sai Chiên, xã Chiềng Pha, cho biết: Gia đình cũng thường xuyên cập nhập tình hình diễn biến thời tiết, tuy nhiên, không thể lường trước được hậu quả do thiên tai gây ra. Ngày 25/3/2025, mưa to, gió lốc đã làm tốc mái nhà của gia đình. UBND xãđã kịp thờihuy động các lực lượng giúp dọn dẹp, di chuyển đồ đạc và lợp lại mái nhà.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện và các xã, thị trấn đã khẩn trương phối hợp kiểm tra, thống kê thiệt hại; huy động các lực lượng khắc phục các khu vực sạt lở, nguy hiểm, đặt biển cảnh báo, cấm phương tiện trọng tải lớn để đảm bảo an toàn. Bố trí lực lượng hỗ trợ cùng gia đình di chuyển, sửa chữa, dựng lại nhà bị thiệt hại để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Vận hành điều tiết nước tại đập đầu mối công trình thủy lợi phai Lụa, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu.
Cùng với đó, huyện cũng bố trí ngân sách hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề về nhà cửa tại 22 xã, kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng khắc phục sản xuất nông nghiệp cho 24 xã bị ảnh hưởng; sửa chữa 2 công trình cầu và 9 công trình nước sạch. Ngoài ra, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn trao tặng 28.255 kg gạo cho 1.218 hộ; 3.536 thùng mì tôm cho 1.118 gia đình và 2.086 suất nhu yếu phẩm cho 1.104 gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ ở các xã bị ảnh hưởng.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" và “3 sẵn sàng"
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả phương án phòng, tránh lũ bão, giảm nhẹ thiên tai. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở và các hộ gia đình sinh sống tại các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai. Năm 2025, qua rà soát, có 609 hộ tại 26 xã, thị trấn có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đá lăn…
Các lực lượng xã Thôm Mòm, huyện Thuận Châu tham gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Cùng với việc rà soát khu vực tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra lũ quét, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng, phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra các công trình hồ chứa, các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các tuyến giao thông xung yếu để có biện pháp xử lý khi cần thiết. Tổ chức trực phòng chống bão lũ 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo, cảnh báo cho nhân dân. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" (Vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, ứng cứu tại chỗ” và “3 sẵn sàng (Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả), từ đó hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Hội nghị giao nhiệm vụ (bổ sung) tổ chức hiệp đồng, chỉ thị đảm bảo tại Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão lũ và tìm kiếm cứu nạn xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu.
Nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó, vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tại xã Chiềng Ngàm. Qua cuộc diễn tập, giúp các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hành các phương án cụ thể để xử lý khi có tình huống lũ bão xảy ra. Đồng thời, rèn luyện khả năng phối hợp, chỉ huy và điều hành trong thực tế, giúp tránh lúng túng khi gặp sự cố.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Hạn chế thấp nhất thiện hại do thiên tai gây ra, huyện Thuận Châu tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng, tránh và ứng phó với các loại hình thiên tai. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ; rà soát, bổ sung phương án phòng, chống bão lũ phù hợp với thực tế địa phương. Huy động nguồn nhân lực tại chỗ, sẵn sàng khắc phục bão lũ để ổn định đời sống nhân dân.
Với sự chủ động trong việc xây dựng các phương án phòng, chống lũ bão của huyện Thuận Châu sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; giảm chi phí khắc phục hậu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trần Hiền
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/thuan-chau/chu-dong-phong-chong-thien-tai-mua-mua-bao-eGbWu3aHg.html