Chủ động, sáng tạo trong bảo vệ và phát triển rừng Ba Bể

Chủ động, sáng tạo trong bảo vệ và phát triển rừng Ba Bể
8 giờ trướcBài gốc
Tổng vệ sinh môi trường Khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể
Đưa du lịch hồ Ba Bể vươn tầm trong kỷ nguyên mới
Công tác tuần rừng đặc dụng luôn được lực lượng Kiểm lâm và người dân được giao khoán chú trọng.
Phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể đã chủ động xây dựng Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ năm 2025, giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị trực thuộc. Đồng thời phát động phong trào thi đua, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm. Công tác kiểm tra, đôn đốc được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch.
Với vai trò bảo vệ hơn 9.400ha rừng đặc dụng, từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức 22 cuộc tuyên truyền tại 16 thôn bản, thu hút hơn 1.400 lượt người dân tham dự. Nội dung tập trung vào nâng cao nhận thức pháp luật về quản lý rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), vận động người dân tố giác các hành vi vi phạm; quản lý và sử dụng hợp pháp cưa xăng…
Hoạt động tuần tra rừng được thực hiện nghiêm túc với hơn 360 đợt, trên 1.170 lượt người tham gia; tổ chức 58 lần mật phục, thực hiện 2 đợt truy quét lớn.
Công tác phối hợp với chính quyền địa phương được đẩy mạnh; nhiều vụ việc xâm chiếm đất rừng, xây dựng trái phép được ngăn chặn kịp thời. Lực lượng Kiểm lâm trực 24/24h tại các điểm nóng giúp phát hiện sớm cháy rừng, kiểm soát tình hình hiệu quả.
Tuy nhiên, đơn vị vẫn ghi nhận 8 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng so với cùng kỳ; gồm khai thác trái phép, vận chuyển lâm sản, đốt rừng trái phép…).
Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Bể.
Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể, chia sẻ: Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn, tăng cường kiểm tra đột xuất hiện trường… Những vụ việc lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép hay xây dựng không phép trong vùng lõi đều được xử lý kịp thời, thể hiện tinh thần kiên quyết, không né tránh.
Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học gắn với nghiên cứu
Ban Quản lý VQG Ba Bể tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về loài cây nghiến (là loài gỗ quý đặc hữu của vùng núi phía Bắc). Diện tích chăm sóc cây nghiến và cây trai lý đều có tỷ lệ sống cao, phù hợp điều kiện sinh trưởng. Đơn vị còn thống kê 51 loài thực vật và phối hợp gắn mã QR nhận diện cây, giúp việc tiếp cận thông tin sinh học dễ dàng hơn.
Sử dụng các thiết bị số vệ tinh để quản lý và theo dõi tài nguyên rừng.
Đáng chú ý, các dự án bảo tồn, du lịch sinh thái, phát triển kinh tế bền vững tại vùng lõi, vùng đệm được triển khai không chỉ góp phần nâng cao sinh kế người dân, mà còn là mô hình mẫu cho phát triển cộng đồng gắn với bảo tồn.
Ban Quản lý VQG Ba Bể cũng tích cực triển khai các chương trình giáo dục môi trường. Trong đó, các hoạt động như “Đổi rác tái chế lấy quà” thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên ở địa phương tham gia, góp phần xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng.
Đặc biệt, hệ thống du lịch thực tế ảo VR360 đã được vận hành, thay thế trang thông tin cũ, cung cấp hình ảnh sống động về cảnh quan Ba Bể tới du khách trong và ngoài nước.
Việc hoàn thiện logo và chuẩn bị đăng ký nhãn hiệu Vườn quốc gia cũng là bước đi chuyên nghiệp hóa trong quảng bá thương hiệu sinh thái địa phương. Về dịch vụ môi trường rừng, đơn vị tổ chức khảo sát các tuyến du lịch tiềm năng, ký hợp đồng thuê môi trường rừng với các tổ chức, cá nhân.
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vệ sinh vùng hồ Ba Bể.
Thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã phối hợp cùng với 42 thôn bản thuộc vùng lõi và vùng đệm ở địa phương xác định nhu cầu hỗ trợ.
Trong số này, 21 thôn làm đường bê tông, 15 thôn kéo điện lưới quốc gia, còn lại là làm kè, mương nước thủy lợi, nhà họp thôn… hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Tổng kinh phí hỗ trợ là 2,1 tỷ đồng (50 triệu đồng/thôn). Đến nay đã có 9 thôn được phê duyệt dự toán, các hạng mục còn lại đang thực hiện theo kế hoạch.
Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý, trong đó đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, dữ liệu nhân sự; đồng thời hoàn thiện các thủ tục về tổ chức bộ máy theo quy định mới.
Việc phối hợp với các đơn vị như UBND xã, Văn phòng Đất đai trong công tác phân định ranh giới, giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm đất đai… cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh kết quả, đơn vị còn những khó khăn và thách thức như: Công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn động thực vật quý còn hạn chế do thiếu nhân lực chuyên sâu. Vi phạm lấn chiếm đất rừng đặc dụng vẫn còn xảy ra ở một số nơi, do nhu cầu sử dụng đất ở tăng, quy hoạch thiếu đồng bộ, ý thức người dân chưa cao.
Ngoài ra, việc triển khai các dự án du lịch trên đất rừng đặc dụng gặp khó khăn do thủ tục pháp lý phức tạp, thiếu định hướng rõ ràng về xây dựng hạ tầng tại vùng lõi.
Thời gian tới, Ban Quản lý VQG Ba Bể tiếp tục đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện như: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát rừng, hạn chế tối đa việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, nâng cao ý thức cộng đồng.
Chủ động phối hợp với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ, để triển khai có hiệu quả Đề án du lịch sinh thái, lựa chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng. Phối hợp giải quyết đơn thư phản ánh của người dân, phân định ranh giới đất rõ ràng giữa các khu vực được quản lý. Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, thúc đẩy chuyển đổi số...
Văn Lạ
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/chu-dong-sang-tao-trong-bao-ve-va-phat-trien-rung-ba-be-4011dfd/