Chủ động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Chủ động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
2 ngày trướcBài gốc
Theo Quyết định của Bộ Công thương, chính thức từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8%, từ mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) lên 2.204,06 đồng/kWh, tăng 101 đồng/kWh. Trước tình hình giá điện tăng, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động bởi chi phí tăng.
Cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện hiệu quả trong cuốn Cẩm nang tiết kiệm điện đến các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Với mức tăng mới, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, mỗi hộ trong 1 tháng sẽ trả thêm từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng, tùy theo mức sử dụng điện. Tuy nhiên, với cách tính theo giá bậc thang, càng sử dụng nhiều, giá điện lại càng tăng cao. Hiện nay, miền Bắc đang bước vào thời kỳ nắng nóng, đồng thời là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ hè, nhu cầu sử dụng điện lớn, tổng chi phí điện sẽ tăng đáng kể, tăng mức chi phí sinh hoạt hằng tháng của các gia đình.
Chị Khổng Thùy Dung, khu đô thị Vạn Cát, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: "Cùng với việc sử dụng điện chiếu sáng, phục vụ sinh hoạt hằng ngày, gia đình còn có thêm nghề sản xuất các loại thạch đen, bánh thạch đen Sương Sáo nên lượng tiêu thụ điện hàng tháng lớn, trung bình chi phí từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Vào các tháng mùa hè, mức chi phí tiền điện thường tăng thêm từ 20 - 30%. Khi giá điện điều chỉnh tăng lên sẽ kéo theo mức chi phí này tiếp tục tăng cao, song giá bán các loại thạch chưa thể tăng ngay vì giá cao sẽ khó bán".
Bên cạnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao, việc lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện chưa hợp lý ở các gia đình sẽ khiến hóa đơn tiền điện phát sinh chi phí. Qua tìm hiểu được biết, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của các thiết bị làm mát có thể tăng từ 3 - 6%. Khi trời nắng nóng, nhiều hộ gia đình có thói quen sử dụng điều hòa nhưng không dùng quạt; sử dụng đồng thời nhiều thiết bị làm mát vào giờ cao điểm hay bật, tắt điều hòa nhiều lần, đặt nhiệt độ ở mức thấp (dưới 26 độ C); mở tủ lạnh nhiều lần trong ngày... Tất cả các hành động này sẽ tiêu tốn điện năng nhiều hơn khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, áp lực lên chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Điện là nguồn năng lượng thiết yếu trong đời sống hằng ngày và trong sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, khi "đầu vào" được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo hàng loạt chi phí tăng theo, ảnh hưởng đến chi phí tiêu dùng của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện, giảm bớt gánh nặng tài chính do hóa đơn tiền điện tăng cao, ngay từ đầu mùa hè, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc và các đơn vị phân phối, bán lẻ điện trên địa bàn tỉnh đã khuyến nghị người dân, doanh nghiệp cần chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua các việc làm cụ thể như tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng chung hợp lý, giảm ít nhất 50% số lượng điện năng dùng cho chiếu sáng chung ở hành lang, sân vườn, hàng rào; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và chỉ để chế độ làm mát từ 26 độ C trở lên, định kỳ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng đường thông gió và đường dẫn nhiệt để tránh tổn thất điện năng;...
Đối với các hộ gia đình nên thay thế các thiết bị cũ, kém hiệu quả bằng những sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến, giảm thiểu mức tiêu thụ điện năng hằng tháng và lựa chọn mua các thiết bị có dán nhãn năng lượng của Bộ Công thương, sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng; sử dụng đèn LED; rút phích cắm khi không sử dụng; sử dụng điều hòa khi nắng nóng kèm quạt…
Đối với khách hàng sử dụng điện trong sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn, ngành điện luôn khuyến cáo doanh nghiệp bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm; đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện; sử dụng các công cụ giám sát và quản lý năng lượng để kiểm soát và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ...
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ - thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư trên địa bàn tiết giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm khi có thông báo của điện lực địa phương...
Các đơn vị trực thuộc chủ động điều tiết phụ tải, kiểm soát chặt chẽ công tác ghi chỉ số, phát hành hóa đơn tiền điện, không để xảy ra các sai sót do lỗi chủ quan; tăng cường hướng dẫn khách hàng chủ động tra cứu sử dụng công cụ ước tính điện năng…
Hiện nay, nhiều hộ dân đã và đang điều chỉnh thói quen sử dụng điện hay thực hiện đầu tư, lắp đặt điện mặt trời trên mái xa; đồng thời, thường xuyên theo dõi việc sử dụng điện của gia đình qua App CSKH hằng ngày của ngành Điện để giám sát và có sự điều chỉnh hợp lý khi sử dụng điện.
Sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã và đang giúp tiết giảm các chi phí; đảm bảo nguồn điện được vận hành an toàn, ổn định phục vụ sự phát triển kinh tế và đời sống người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh Hồng Nhật
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128938//chu-dong-su-dung-dien-tiet-kiem-hieu-qua