Từng ngành hàng, doanh nghiệp đang chủ động đánh giá lại vị thế cạnh tranh của mình để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt với việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tăng cường nắm bắt thông tin dự báo và hoạch định chính sách chiến lược của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến vấn đề này.
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp trọng tâm các DN đang thực hiện. Trong ảnh: Hàng hóa tập kết tại Cảng tổng hợp Bình Dương
Định vị lại thị trường
Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Lâm Việt (TP.Tân Uyên), cho biết doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang tích cực nắm bắt thông tin về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. DN tin tưởng và kỳ vọng vào sự đàm phán của Chính phủ. “Đối với Công ty Cổ phần Lâm Việt, hiện thị trường Hoa Kỳ chiếm 50% doanh thu. Chúng tôi đã nhận đơn hàng đến tháng 9-2025. Trong thời gian tới, chúng tôi nỗ lực đàm phán với khách hành, đối tác để đi đến thống nhất cùng chia sẻ rủi ro. Đồng thời, chúng tôi cũng đang hướng đến xuất khẩu trực tuyến, giảm bớt khâu trung gian. Dự kiến trong tháng 4 này, công ty sẽ xuất khẩu 3 container hàng hóa và bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon”.
Theo các chuyên gia, trong khó khăn và biến động cũng là cơ hội để DN thể hiện linh hoạt thích ứng, thay đổi, khai thác thị trường xuất khẩu mới. Hiện Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định này vẫn còn nhiều dư địa để DN khai thác, mở rộng xuất khẩu. Hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu được vào Mỹ cũng sẽ dễ dàng xuất khẩu qua các nước khác ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)… mà Việt Nam là thành viên.
Hiệp hội Dệt may Bình Dương nhận định dệt may sẽ là mặt hàng chịu tác động mạnh nhất khi Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng 46%. Trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may qua thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm. DN đang chờ đợi kết quả đàm phán của Chính phủ và những xoay chuyển của các DN trong ngành góp phần giảm thiểu rủi ro.
Ông Phan Thành Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP. Thuận An), cho rằng để ứng phó với những biến động từ thị trường xuất khẩu DN cần có những đầu tư bài bản hơn vào kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa chuỗi cung ứng và áp dụng chuẩn ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững). Nếu như trước đây, chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là mục tiêu dài hạn thì nay đã trở thành yêu cầu cấp bách và sống còn. DN phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để thích ứng trong bối cảnh mới. Cùng với đó, DN cần chủ động nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng, cải tiến sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh.
Ngoài việc đa dạng nguồn nguyên liệu thay thế, các DN cần đầu tư vào hệ thống tự động hóa, cải tiến quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc số hóa hoạt động kinh doanh và sử dụng nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp DN mở rộng kênh bán hàng và tiếp cận khách hàng toàn cầu dễ dàng hơn.
Bên cạnh tìm kiếm thị trường mới, ngành gỗ Bình Dương cũng chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, nâng tầm giá trị sản phẩm trên thị trường xuất khẩu
Nâng chất sản phẩm, đa dạng thị trường
Trao đổi với phóng viên về vấn đề làm sao để DN địa phương định vị lại giá trị của mình, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết những năm qua thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong cả nước. Trong thời điểm khó khăn hiện nay việc định vị lại thị trường, sản phẩm, nguồn nguyên liệu cần phải làm ngay. Bên cạnh đó, DN ngành gỗ cần ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động, chuyên môn hóa, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cấp cơ sở vật chất... Cùng với đó, DN cần chú trọng phát triển trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng thương hiệu quốc gia để giảm bớt gia công hoặc xuất khẩu qua trung gian.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho rằng ở góc nhìn khác, thuế quan mới của Hoa Kỳ tạo ra những áp lực lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để DN nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu trong chuỗi cung ứng và mô hình sản xuất. Việc đánh giá lại chiến lược xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn. Về dài hạn, DN cần chuyển từ chiến lược xuất khẩu giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng cao. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thiết kế, phát triển thương hiệu và tích hợp công nghệ sẽ giúp hàng hóa Việt Nam giữ được vị thế dù phải chịu mức thuế cao. Cùng với đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là giải pháp quan trọng. Ông Phạm Văn Xô bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan thương mại hỗ trợ DN tiếp cận thông tin về các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP để tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan.
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (TP. Thuận An), đề xuất cần rà soát lại hệ thống thuế nhập khẩu của Việt Nam, bởi Hoa Kỳ có thể sử dụng để so sánh và áp thuế đối ứng. Nếu Việt Nam cứ duy trì các sắc thuế bảo hộ quá cao sẽ khó có lý lẽ khi đàm phán lại với Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất... (còn tiếp).
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam nghe có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng khi phân tích rõ có thể thấy câu chuyện không quá ”sốc” như tưởng tượng. Đây là mức thuế đối ứng, tức là có thể thay đổi tùy vào cách Việt Nam phản ứng và đàm phán. Hiện tại, Việt Nam đã có những động thái đầu tiên như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Hoa Kỳ để làm dịu tình hình và sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kiến nghị Nhà nước cần triển khai các gói hỗ trợ cụ thể cho DN gặp khó khăn khi phải thực hiện mức thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ, như miễn giảm thuế trong nước, giãn nợ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí hành chính, chi phí không chính thức, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các trung tâm xúc tiến thương mại, chuyển đổi số và công nghệ nhằm tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
TIỂU MY