Quy định về chống mất rừng EUDR áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. 3 trong số 7 nhóm hàng này, bao gồm gỗ, cao su và cà phê, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Quy định được áp dụng vào tháng 1/2025, nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được rằng quá trình sản xuất không gây ra mất rừng hoặc suy thoái rừng trong suốt chuỗi cung ứng.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận quy định của Liên minh Châu Âu EUDR quy định về không gây mất rừng và không gây suy thoái, đây vừa là một thách thức rất lớn nhưng vừa là cơ hội. Thách thức vì đây là vấn đề mới đối với Việt Nam, mới về kĩ thuật, mới về chính sách”.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệo và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ đô la Mỹ. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt trên 15 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt hơn 14 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,9%. Mặc dù xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt được kết quả khá cao, tuy nhiên, với quy định EUDR của EU, lâm sản của Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn. Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết: “Khi thực thi EUDR, bước đầu có những khó khăn, có những lúng túng. Chúng tôi đã cảnh báo doanh nghiệp đây là một yêu cầu bắt buộc của EUDR có hiệu lực từ ngày 1/1 của năm tới và chúng ta muốn sản phẩm của mình vào EU thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định này”.
Để thích ứng với EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng khung kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR. Các hiệp hội ngành hàng cũng đang cố gắng để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với EUDR.
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: “Khi châu Âu ban hành đạo luật về cấm các sản phẩm có nguồn gốc phá rừng và ngay sau khi đạo luật này ban hành thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phiên làm việc trực tiếp với Tổng vụ môi trường châu Âu và có nhiều hội thảo tham vấn các bên liên quan. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hành động để chuẩn bị cho các ngành hàng, trong đó có 2 ngành hàng có sản phẩm xuất khẩu rất lớn vào châu Âu có ngành hàng gỗ, cà phê, cao su”.
Trong EVFTA có các cam kết về quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, chống khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp và không gây mất rừng. Do vậy, việc chuẩn bị và thực thi EUDR khẳng định cam kết phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực thi EVFTA.
Thu Hòa
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/chu-dong-thich-ung-voi-quy-dinh-chong-pha-rung-cua-eu-280458.htm