Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra

Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra
4 giờ trướcBài gốc
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì tại điểm cầu huyện Tân Thạnh.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình ảnh hưởng ngập lũ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười
Hiện nay, mực nước lũ tại huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh đang lên nhanh và trong giai đoạn đạt đỉnh lũ, cường suất lũ lên nhanh trong tuần qua dao động từ 1-5cm/ngày đêm, riêng huyện Mộc Hóa do kết hợp với mưa lớn nên từ ngày 22 đến 23/10 cường suất lũ lên nhanh đột biến 17cm/ngày đêm.
Theo báo cáo nhanh từ các huyện bị ảnh hưởng, tổng diện tích bị ngập lũ, kết hợp triều cường dâng cao và cơn mưa tối ngày 21 và sáng ngày 22/10 là 1.142,9ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại mất trắng là 702,9ha tại các huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hóa. Bên cạnh đó, còn có 15.638ha diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập.
Một số đoạn đê bao được người dân gia cố tạm, nguy cơ vỡ đê cao
Qua khảo sát thực tế, các địa phương ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực, phương tiện, tiếp tục gia cố tôn cao các tuyến bờ bao, đê bao lửng và hỗ trợ người dân bơm nước chống ngập úng để bảo vệ an toàn cho các diện tích lúa vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm khảo sát tại ruộng dưa bị thiệt hại do ngập lũ của người dân xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, nguyên nhân chính gây ngập úng là mưa lớn kết hợp lũ và triều cường; đồng thời, các địa phương và người dân vẫn còn chủ quan trong công tác gia cố đê bao. Ngoài ra, việc kiểm soát các cống ngang đê của các địa phương cũng chưa được thực hiện tốt.
Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, một số nơi ghi nhận mực nước ngoài kênh đang cao hơn mặt ruộng từ 1,5m-2m và một số đoạn đê đang rất yếu, có nguy cơ xảy ra vỡ đê gây ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, ông yêu cầu, các địa phương khẩn trương gia cố các tuyến đê bao, nhất là tại thị xã Kiến Tường và huyện Tân Thạnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đề nghị, các địa phương cần có quyết tâm trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời, đối với các địa phương đang xảy ra ngập cục bộ, cần tùy thuộc vào tình hình địa phương mà triển khai các giải pháp phù hợp theo tinh thần “4 tại chỗ”, tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục, hỗ trợ người dân.
Bên cạnh đó, ông yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân triển khai sản xuất theo kế hoạch đã đề ra.
Ông Nguyễn Văn Út cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhất là cơn bão số 6 (bão Trà Mi) đang tiến vào Biển Đông và được dự báo sẽ gây ảnh hưởng lớn.
Vì vậy, ông yêu cầu, Trung tâm Khí tượng và Thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, kịp thời đưa ra những dự báo và tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tỉnh để các địa phương và người dân nắm, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất./.
Bùi Tùng - Hoàng Tuân
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/chu-dong-trien-khai-cac-giai-phap-ung-pho-giam-thieu-thiet-hai-do-mua-lu-gay-ra-a184634.html