Mặc dù công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Tạo “đề kháng” cho trẻ với các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này được nhiều người quan tâm.
Gia đình chị H. ở huyện vùng cao Pác Nặm đã không còn bình yên sau khi con gái bị xâm hại tình dục. Một đêm tháng 4/2024, cháu N. (con gái chị H.) đi chơi với bạn, trên đường trở về nhà bị 2 người bạn nam đi cùng cưỡng ép: "Thời gian đó mọi người cũng đồn thổi nhiều rồi con bỏ học, gia đình bảo cố đi học nhưng con nhất quyết không học nữa, sau đó con bỏ nhà đi”.
Ảnh minh họa, nguồn: KT
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện đau lòng về việc trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, khiến nhiều em rơi vào hoảng loạn, tâm lý bất ổn; cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn.
Theo báo cáo của Bộ Công an, 8 tháng năm 2024, trên cả nước đã điều tra, khởi tố gần 2.000 vụ với hơn 1.400 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em; đồng thời, xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng. Trong đó, có 188 vụ dùng mạng xã hội để làm quen với trẻ em để xâm hại. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là sự du nhập của những luồng văn hóa không chính thống trên các trang mạng xã hội. Nạn nhân chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ quen biết trên Internet. Từ đó, những đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các em để dụ dỗ, lôi kéo và thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân nhưng chưa quan tâm đến sự phát triển về tâm sinh lý của con. Không ít gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, bỏ mặc con cái, thậm chí cha mẹ vi phạm pháp luật,... là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, thiếu kiến thức và bị xâm hại tình dục.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết: “Thực tế nhiều gia đình cho rằng đó là chuyện trong nhà bảo nhau còn phổ biến. Vì thế những người thân trong gia đình đôi khi chưa phát huy vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em. Đôi khi chính con em mình bị đánh nhưng không lên tiếng bởi nghĩ rằng đấy là chuyện riêng. Nếu mình báo cáo thì lại ảnh hưởng đến chính người nhà của mình nên che giấu. Chúng ta chưa ý thực trong việc trẻ em phải được bảo vệ toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Nếu như không can thiệp được trong gia đình thì phải báo cơ quan chức năng để hỗ trợ xử lý”.
Để giúp trẻ có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục giới tính và pháp luật về xâm hại tình dục cho thanh, thiếu niên, chú trọng giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thường xuyên dạy trẻ những kỹ năng cơ bản để các em có kiến thức, nhận thức trước những nguy cơ có thể gặp phải như dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm, không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm, không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, tránh xa người lạ mặt, không cho người lạ mặt vào nhà, tìm cách báo cho người lớn khi có nguy cơ bị đe dọa, bắt nạt,...
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng: "Chúng ta đang thiếu những thiết chế giám sát cũng như bảo vệ các em hiệu quả nhất về cả mặt pháp lý cũng như sự giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ chăm sóc các em. Theo tôi, chúng ta cần tăng cường sự giám sát. Giúp đỡ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em trong những gia đình có hoàn cảnh. Đối với các em đó thì trách nhiệm của UBND xã, phường, của đoàn thanh niên, hội phụ nữ của các tổ chức chăm sóc bảo vệ trẻ em kịp thời nắm bắt được hoàn cảnh của các em. Đồng thời chúng ta phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhân thức trong cộng đồng để trở thành tai mắt kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi phạm, xâm phạm đến quyền của trẻ em".
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khẳng định: "Bên cạnh câu chuyện về phòng ngừa, có câu chuyện nữa về trách nhiệm cộng đồng, lên tiếng, tố cáo, tố giác những hành vi bạo lực trẻ em khi mà mình nghi ngờ. Thì trong pháp luật Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016 và đặc biệt với Nghị định 130 thì quy định pháp luật về tố cáo bắt buộc đối với những trường hợp trẻ em bị nguy cơ nghi ngờ bị xâm hại đã được đưa vào trong quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bất kỳ một nghi ngờ nào của quý vị về nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, về chứng cứ cho dù là ít nhất cũng có thể cung cấp đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111”.
Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đoàn thể và nhà trường, sự quan tâm hơn sát sao của chính mỗi bậc cha mẹ đến con cái mình, nhất là trước những mặt trái của mạng xã hội là đòi hỏi cấp thiết hiện nay, để việc xâm hại trẻ em không còn là nỗi lo của mỗi gia đình.
Kim Thanh/VOV1