Chủ động ứng phó, giữ nhịp xuất khẩu dệt may trước sức ép thuế quan từ Mỹ

Chủ động ứng phó, giữ nhịp xuất khẩu dệt may trước sức ép thuế quan từ Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Nam Định (Nagaco).
Bám sát thị trường, tăng tốc chạy “nước rút” trong thời gian hoãn thuế
Đại diện Công ty Cổ phần May Sông Hồng, một trong những doanh nghiệp dệt may quy mô lớn của Nam Định, có 80% sản lượng đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhận định: Ngay cả mức thuế 10% đã đủ lớn để gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận. Nếu mức thuế 46% được thực thi, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào nguy cơ mất khả năng cạnh tranh, thậm chí đe dọa sự tồn tại”. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành cũng khẳng định, biên lợi nhuận trung bình của ngành dệt may vốn đã rất mỏng (hiện chỉ dao động ở mức 5-12%), phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác, vì vậy mức thuế suất 46% nếu được thực thi, thực sự là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp dự báo thị trường Mỹ sẽ sụt giảm nhu cầu.
Nắm bắt “cơ hội vàng” trong 90 ngày tạm hoãn áp thuế nhập khẩu đối ứng ở mức lên tới 46%, các doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc xuất khẩu các đơn hàng theo hợp đồng sang Mỹ; đồng thời đã nỗ lực đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại, cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày để điều tiết chi phí sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp dệt may cho biết, qua trao đổi với các đối tác, xu hướng chung là các đối tác sẽ tìm cách đàm phán, chia sẻ một phần thuế tăng thêm với các nhà sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh... nhưng các nhà sản xuất sẽ phải giảm một phần giá bán nên chắc chắn sẽ giảm lợi nhuận.
Đại diện Công ty Cổ phần May Sông Hồng chia sẻ: “Khi áp thêm mức thuế bổ sung 10%, May Sông Hồng chỉ có thể hấp thụ tối đa 1-2%, việc gánh thêm áp lực cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, vì vậy gánh nặng thuế sẽ được chia sẻ giữa ba bên: các thương hiệu, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày, May Sông Hồng đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian tạm hoãn. Khối lượng đơn hàng từ thị trường Mỹ của May Sông Hồng đã được đảm bảo đến tháng 7-8/2025. Tuy nhiên, với nhận định triển vọng cho quý IV vẫn còn nhiều bất định, khi ngay cả các thương hiệu lớn cũng chưa có kế hoạch rõ ràng, vì vậy ngay cả trong kịch bản tốt nhất thì lượng đơn hàng trong năm 2025 từ thị trường Mỹ sẽ giảm; quý II dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, trong khi quý III có thể bắt đầu suy yếu”. Dù vậy, Công ty Cổ phần May Sông Hồng vẫn quyết định giữ nguyên chỉ tiêu tài chính năm 2025 với mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 4%, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế kỷ lục 600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với kết quả 2024. Công ty tin tưởng sẽ vẫn đạt được mục tiêu đề ra do Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng các thương hiệu chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang; đặc biệt Việt Nam hiện có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ tiềm năng như Ấn Độ, Bangladesh do lợi thế về năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các dịch vụ. Ngoài ra, Công ty Cổ phần May Sông Hồng đang đẩy mạnh chiến lược nâng cao chuỗi giá trị: mở rộng sang thị trường Nhật Bản, tập trung dòng sản phẩm cao cấp, đầu tư nghiên cứu liên doanh sản xuất vải - hướng đi tạo ra sự chủ động đầu vào và gia tăng lợi nhuận bền vững.
Chính phủ, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp vượt “bão thuế”
Trước thách thức mang tính hệ thống, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt bám sát diễn biến, dự báo kịch bản, ứng phó linh hoạt. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các ngành liên quan, các cấp chính quyền đã khuyến cáo các doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó, giảm phụ thuộc thị trường đơn lẻ, phát triển thương hiệu riêng và khai thác các thị trường tiềm năng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đã đề xuất Chính phủ và bộ, ngành các giải pháp hỗ trợ: Giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác; nới room tín dụng để bảo đảm vốn sản xuất; thúc đẩy thị trường nội địa của hơn 100 triệu dân Việt Nam nhằm bù đắp được các nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, địa phương và các ngành chức năng đã đẩy mạnh tạo điều kiện (về logistics, thủ tục hải quan...) để các doanh nghiệp kịp đẩy nhanh việc giao hàng càng sớm càng tốt trong thời gian áp dụng lệnh tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng mới.
Các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và diễn biến thị trường, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ để các doanh nghiệp dệt may của tỉnh cùng vượt khó một cách hiệu quả nhất. Sở Công Thương đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tranh thủ 90 ngày tạm hoãn thuế để cơ cấu lại thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, kết nối lại các đối tác tiềm năng từng bị bỏ qua. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ thủ tục hải quan, logistics, khơi thông tín dụng, tiết giảm chi phí sản xuất. Các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh cũng đẩy mạnh thông tin đến doanh nghiệp: 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực và có thể tăng lên 22 hiệp định trong thời gian tới; đây sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để các doanh nghiệp mở rộng thị trường theo hướng bền vững, ít bị chi phối bởi biến động địa chính trị. Các thị trường trọng điểm như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Belarus và ASEAN và nội địa đang được xác định là trụ cột chiến lược xuất khẩu năm 2025. Đặc biệt, thị trường châu Âu ngày càng siết chặt yêu cầu về sản phẩm xanh, tái chế - thách thức nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp nâng cấp sản xuất và nâng cao liên kết chuỗi. Theo các chuyên gia, trước các rào cản thương mại ngày càng đa dạng, các doanh nghiệp Nam Định cần xác định rõ chiến lược: đa dạng hóa thị trường và sản phẩm; làm chủ công nghệ, tối ưu năng suất và chất lượng; chủ động thích ứng với rào cản thuế quan và môi trường toàn cầu.
Tinh thần tự chủ, đổi mới, sáng tạo từ phía doanh nghiệp cùng sự đồng hành sát sao của chính quyền từ Trung ương đến địa phương hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Nam Định vượt khó, giữ vững nhịp tăng trưởng và tiếp tục vượt khó khăn, thách thức chuyển mình mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/chu-dong-ung-pho-giu-nhip-xuat-khau-det-may-truoc-suc-ep-thue-quan-tu-my-f2e2980/