Chủ động ứng phó với bão số 6

Chủ động ứng phó với bão số 6
2 giờ trướcBài gốc
Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Quảng Bình.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý đê điều và PCTT, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia thông tin nhanh về dự báo diễn biến, cường độ của bão số 6; cảnh báo sóng mạnh, mưa lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết: Hiện, Quảng Bình có 6.174 phương tiện/18.691 lao động, đang neo đậu tại bến 6.133 phương tiện/18.462 lao động. Đến 15 giờ ngày 25/10, tỉnh còn 41 phương tiện/229 lao động đang hoạt động trên biển. Tỉnh đã thông báo, hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền trưởng nắm bắt thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh trú, tỉnh cũng đã có lệnh cấm biển từ 0 giờ ngày 27/10.
Về tình hình hồ chứa, ngay sau khi kết thúc vụ hè-thu, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông điều tiết hồ chứa xuống mức thấp nhất, sẵn sàng đón lũ, hiện tại dung tích các hồ chứa trên địa bàn đạt khoảng 63%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 167 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư và sạt lở bờ sông, biển, trong đó có 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu tại cuộc họp.
Hiện, tỉnh đã huy động 100% lực lượng xung kích PCTT với 12.359 người ở 151 xã, phường, thị trấn; lực lượng vũ trang trực, sẵn sàng triển khai lực lượng về các điểm xung yếu. Để chủ động ứng phó với bão số 6, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin diễn biến của bão và hình thế gây mưa để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; kiểm tra, rà soát triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, vị trí sạt lở ven biển; chặt tỉa cành cây trong hành lang lưới điện, thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn và khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố, thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt; các địa điểm dân cư, trạm, lán trại có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, chủ động sơ tán, di dời người dân, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng ứng trực, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là việc đi lại khi có bão, lũ, qua khu vực nguy cơ cao sạt lở; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Trong tình huống nếu có bão đổ bộ hoặc lũ lụt, các địa phương trong tỉnh đã rà soát và sẵn sàng sơ tán, di dời người dân do bão 29.125 hộ; di dời do lũ lụt trên báo động 3 là 18.967 hộ; do sạt lở 856 hộ với 3.610 khẩu.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão; trong đó chú trọng vai trò cộng đồng trong PCTT; chuẩn bị kỹ các kịch bản, xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ"; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền; các địa phương cần lưu ý công tác neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; thu hoạch các diện tích lúa, hoa màu; chủ động giằng, chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh…
Thanh Hoa
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202410/chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-6-2221881/