Cả nước mỗi năm có nhiều thiên tai xảy ra như bão lũ, hạn hán, mặn xâm nhập, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại Kiên Giang, theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2024 mưa lớn, dông lốc, sét đã làm 1 người chết, 13 người bị thương, 89 căn nhà bị sập, 296 căn nhà bị tốc mái, 430 căn nhà bị ngập; đánh chìm 10 phương tiện tàu, thuyền và hư hỏng nhiều công trình công cộng như trụ điện, đường giao thông nông thôn và cây xanh...
Hạn hán và mặn xâm nhập kéo dài gây ra tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông, nhà ở, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân tại khu vực vùng đệm U Minh Thượng, với 454 điểm sạt lở đường giao thông, 42 căn nhà bị thiệt hại do sụt lún đất. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2024 trên 220 tỷ đồng.
Đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cùng chính quyền địa phương thăm, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dông lốc tại huyện An Minh.
Những năm gần đây, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực dự báo, cảnh báo ngày càng nâng lên; hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai từng bước được đầu tư, củng cố; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng ngày càng được chú trọng.
Khi có thiên tai xảy ra, công tác chỉ đạo, ứng phó được thực hiện linh hoạt, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nguyễn Huỳnh Trung, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai như áp dụng phần mềm WebGIS cập nhật tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh; xây dựng 8 trạm khí tượng thủy văn, 6 điểm đo mặn, 25 trạm đo mực nước kết hợp do mưa tự động, 8 trạm đo mưa tự động…
Toàn tỉnh có 143 xã, phường, thị trấn có lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 13.000 người tham gia. Các lực lượng này được tập huấn kỹ năng tìm kiếm cứu nạn và trang bị các dụng cụ cần thiết như xe máy, ca nô, tàu cứu nạn, vỏ máy, máy bơm, máy bộ đàm, phao tròn, áo phao… để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025 diễn ra từ ngày 15-5 đến 22-5 với chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”. Hưởng ứng tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh kêu gọi mỗi người dân hãy cùng nhau hành động, chung tay xây dựng mội xã hội an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Mỗi người dân cần chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai phù hợp với địa phương mình; tích cực tham gia các hoạt động diễn tập ứng phó thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng tránh, bảo vệ tài sản và tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng trước những diễn biến khó lường của thiên tai.
Bài và ảnh: THÙY TRANG