Chủ động ứng phó với thiên tai

Chủ động ứng phó với thiên tai
7 giờ trướcBài gốc
Trận mưa dông ngày 19-7 vừa qua gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều hộ dân tại Thái Nguyên.
Thời tiết diễn biến khó lường
Ngay từ đầu tháng 5, tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận những đợt mưa lớn, dông lốc trên diện rộng - sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-15 ngày. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, chỉ trong 2 tháng đầu mùa mưa (tháng 5, 6-2025), toàn tỉnh đã xuất hiện 5 đợt mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 700-900mm, cao hơn trung bình nhiều năm từ 35-85%.
Điểm lũ ống gây sạt lở tại thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc, khiến 2 người tử vong (xảy ra hồi tháng 5-2025).
Những đợt mưa lớn không chỉ đến sớm và nhiều hơn, các hình thái thời tiết năm nay còn kèm theo hiện tượng cực đoan như dông lốc, sét, gió giật mạnh. Trong đó, trận mưa dông ngày 19-7, gây thiệt hại lớn trên diện rộng; hay đợt mưa cuối tháng 6 vừa qua khiến nước sông Cầu dâng cao, vượt báo động III, gây ngập úng tại khu vực trung tâm hành chính tỉnh - một hiện tượng hiếm gặp trong tháng 6 hằng năm.
Cơ quan chuyên môn nhận định, đây là xu hướng thời tiết điển hình trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hiện tượng cực đoan sẽ còn xuất hiện nhiều, nguy hiểm hơn nếu không có sự chuẩn bị và cảnh báo kịp thời, hậu quả sẽ rất khó lường.
Chủ động từ cơ sở
Trước thực tế thời tiết bất lợi, nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương án phòng, chống thiên tai ngay từ đầu mùa mưa. Tại Công ty cổ phần Khai khoáng Nam Việt, các biện pháp gia cố, bảo vệ khu vực khai thác đã được thực hiện sớm, nhằm phòng sạt lở, vỡ bể lắng trong điều kiện mưa lớn.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Chúng tôi đặc biệt chú trọng quy trình an toàn khi thi công mùa mưa bão. Khi thời tiết bất thường, phương án tạm dừng sản xuất luôn được sẵn sàng để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Đối với các xã, phường trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương cũng đã chủ động kiểm tra các mỏ khoáng sản nằm gần khu dân cư, yêu cầu đảm bảo an toàn khai thác và không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tại thôn Nà Chom, xã Đồng Phúc, từ sau cơn bão Yagi năm 2024, tại đồi Khưa Phát đã xuất hiện vệt nứt. Khu vực chân đồi có hơn 100 hộ người dân tộc Tày đang sinh sống, vẫn trong tâm lý nơm nớp nỗi lo về nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão năm nay.
Hiện trạng điểm sạt lở ngay sát trụ sở UBND xã Đồng Phúc.
Cách đó không xa, sau 2 tháng xảy ra trận lũ ống, hiện trường tại thôn Tẩn Lượt (xã Đồng Phúc) hiện vẫn còn ngổn ngang đất đá. Chưa bao giờ, người dân nơi đây có thể nghĩ nơi mình sinh sống lại có thể xảy ra trận lũ lớn như vậy. Xảy ra vào đêm khuya, thiên tai đã lấy đi tính mạng của 2 người dân. Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân được xác định là do vỡ túi nước trong hang đá phía đỉnh núi.
Ông Triệu Đức Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc chia sẻ: Để ứng phó với bão lũ, xã đã lên các phương án, cảnh báo sớm và phòng ngừa từ xa, bằng cách thông tin đến người dân các điểm có nguy cơ thiên tai, để các trưởng thôn xung quanh các khu vực nắm được, đề phòng. Đồng thời, tuyên truyền để người dân chuẩn bị các phương án sẵn sàng di dời tài sản, nhà cửa.
Còn tại xã Nam Cường, một khu tái định cư tập trung đang được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng để di dời các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ cao. Theo đại diện lãnh đạo UBND, xã tận dụng những thời điểm nắng ráo để thi công, đồng thời thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Khu tái định cư tập trung tại xã Nam Cường xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng, để di dời các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ cao.
Cảnh báo kịp thời, sẵn sàng ứng phó
Để giảm thiểu những thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, trong đó có Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/7/2025 và kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Về phía Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tỉnh - đơn vị thường trực công tác phòng, chống thiên tai, thường xuyên rà soát, xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu có thể dẫn đến ngập úng, lũ quét, sạt lở đất để cập nhật vào phương án đảm bảo sát với thực tế; tổ chức trực ban 24/24h, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực ứng phó khi có tình huống xảy ra.
“Công tác phối hợp giữa Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai với các cơ quan khí tượng, các địa phương trong tỉnh tương đối tốt, giúp các bản tin cảnh báo sớm về thời tiết nguy hiểm được cập nhật thường xuyên, phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó”… - Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, việc phối hợp với các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai cũng được thực hiện chặt chẽ, luôn được đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về thiên tai đến 92 xã phường để người dân chủ động phòng tránh.
"Từ nay cho đến tháng 10-2025 vẫn là thời kỳ trọng điểm của mùa mưa bão. Chúng tôi nhận định khả năng xảy ra nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng, kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh, rất nguy hiểm. Do vậy, việc nắm bắt thông tin dự báo chính xác, chuẩn bị đầy đủ phương án ứng phó vẫn là nhiệm vụ then chốt”… - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên
Tại khu vực trung tâm hành chính tỉnh, rất cần giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng mưa to kéo dài là ngập.
Thiên tai là điều không thể tránh khỏi, nhưng thiệt hại do thiên tai hoàn toàn có thể giảm đến mức thấp nhất nếu có sự chủ động từ mỗi người dân, mỗi cấp chính quyền và sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.
Với địa bàn sau sáp nhập được mở rộng đáng kể phần nào khiến cho công tác phòng, chống thiên tai gặp một số khó khăn nhất định. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt và cảnh giác cao độ, tin rằng công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh ta tiếp tục đạt được hiệu quả cao, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tính đến giữa tháng 7-2025, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã gây thiệt hại nghiêm trọng: 6 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương, tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 240 tỷ đồng.
Hạ Liên - Xuân Lộc
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/chu-dong-ung-pho-voithien-tai-e6d254a/