Cơ hội rất lớn cho nhà thầu Việt
Sáng nay (19/11), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm: Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt. Đây là cơ hội để cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia cùng trao đổi, hiến kế, tham vấn vào quá trình hoạch định kế hoạch triển khai dự án.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) nhấn mạnh, Dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam là dự án đặc biệt lớn và có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, tới hơn 18 năm.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA đường sắt khẳng định, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các nhà thầu xây lắp tham gia (Ảnh: Tạ Hải).
Trước đó, năm 2010, dự án đã được trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, thời điểm đó, do còn một số băn khoăn về nguồn lực, trình độ phát triển công nghiệp, xây dựng, quy mô nền kinh tế nên dự án chưa được Quốc hội thông qua.
Thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều đoàn học tập trên thế giới. Các đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp đến học hỏi kinh nghiệm tại 6 nước có trình độ phát triển ĐSTĐC nhất thế giới để đưa ra các phân tích, bài học phát triển, từ đó xây dựng được một báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Chính trị xem xét, được Ban Chấp hành TƯ Đảng thống nhất và đang được trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV xem xét thông qua.
Dự án có nguồn vốn đặc biệt lớn, chưa từng có tại Việt Nam và cũng là một trong những dự án có chiều dài đầu tư lớn nhất trên thế giới.
Kết luận của Trung ương đã nêu rõ, với ý nghĩa là biểu tượng của đất nước, dự án cần phải thực hiện sớm. Mục tiêu đề ra sẽ được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2024, lập dự án năm 2025 và cơ bản hoàn thành năm 2035.
Nghiên cứu của Tư vấn đã chỉ ra, trong tổng nhu cầu vốn dự án khoảng 67,34 tỷ USD, giá trị vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng khoảng 33 tỷ USD, cùng đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện…
Với quy mô vốn lớn như vậy, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, chuyên gia trong nước, xác định chúng ta phải làm chủ về nguồn vốn, tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Trả lời băn khoăn của các doanh nghiệp liệu doanh nghiệp trong nước, cụ thể là nhà thầu có thể tham gia dự án theo hình thức nào, ở khâu nào, ông Phương cho biết, trong phương án nghiên cứu đã đưa ra mô hình hợp đồng EPC.
Thời gian tới, khi dự án được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ xem xét quyết định. Ở bước này, sẽ nghiên cứu kỹ, dự kiến phương án phân chia dự án thành phần hoặc phân chia các hợp phần trong một dự án và phân chia các gói thầu EPC trong dự án.
Với gói thầu EPC, sẽ nghiên cứu kỹ mô hình, gói thầu, sau đấy chọn hình thức, điều kiện tham gia mời thầu thế nào? Sau khi xác định gói thầu, các hợp phần, thiết kế từng gói thầu EPC cụ thể sẽ có điều kiện kèm theo.
"Việc đấu thầu hay chỉ định thầu cũng sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng và trả lời ở bước sau. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định ngay là luôn phải đảm bảo minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả cho các bên", ông Phương nhấn mạnh
Nhiều chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước
Ông Phương nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt...
Vì vậy, nghiên cứu đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù. Như về nhân lực và chuẩn bị nhân lực, trong chính sách đặc thù có ưu đãi để các sở đào tạo trong nước liên danh liên kết với nước ngoài, từ giáo trình, giáo viên, giảng viên để đào tạo trong nước, hoặc đưa ra nước ngoài đào tạo những chuyên ngành đặc thù.
Vì nhu cầu nhân lực là vô cùng lớn. Theo tính toán, sẽ cần khoảng 240 nghìn công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn.
Thông tin với các doanh nghiệp tham gia tọa đàm, Giám đốc Ban QLDA đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, trong nghiên cứu tiền khả thi đã đề xuất nhiều chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án (Ảnh: Tạ Hải).
Về giải phóng mặt bằng, với kinh nghiệm thực hiện những dự án trọng điểm, Bộ GTVT nhận diện, khâu di dời dân lâu nhất. Vì vậy đã đề xuất chính sách chỉ định thầu giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Với một dự án lớn như dự án ĐSTĐC, Bộ GTVT đề xuất phương án lựa chọn các tư vấn mạnh để tư vấn cho chủ đầu tư, bao gồm tất cả các bước. Quan điểm là bước nào làm được ta tự làm, bước nào khó không làm được sẽ thuê tư vấn.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu thi công, hiện nay, trong các chính sách đặc thù chưa đề cập đến. Trong bước nghiên cứu khả thi, sẽ thực hiện phương án phân chia hợp phần và gói thầu; lúc đó vướng gì sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế, giải pháp để tháo gỡ, nhưng chắc chắn đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đủ điều kiện để cơ quan lựa chọn có cơ sở để lựa chọn, các doanh nghiệp tham gia có cơ sở để tham gia.
Về ban hành tiêu chuẩn, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt VN hệ thống hóa tiêu chuẩn lĩnh vực đường sắt, trong đó có ĐSTĐC. Hiện nay, có một số quốc gia tự xây dựng tiêu chuẩn trên hệ thống tiêu chuẩn gốc hoặc tự nghiên cứu, cũng có quốc gia sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Nội dung này sẽ được xác định thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi.
Về cơ chế nguồn vật liệu, học hỏi từ các Nghị quyết cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cùng đó qua làm việc với các địa phương, rút ra các vấn đề, nội dung cần điều chỉnh và đề xuất chính sách đặc thù, trình Quốc hội.
Còn nhiều chính sách khác để thúc đẩy tiến độ như chính sách về bãi đổ thải, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong thời gian qua. Mục tiêu sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, sẽ đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy tiến độ dự án.
"Ban QLDA đường sắt với trách nhiệm là cơ quan được giao nghiên cứu dự án mong muốn các doanh nghiệp tới đây tiếp tục có những góp ý, bổ sung cơ chế chính sách để có thêm sự liên kết giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong thực hiện dự án đặc biệt lớn, đặc biệt quan trọng này", ông Phương nói.
Theo phương án trình Quốc hội, dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km.
Điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án được đề xuất sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến, gồm: Kết cấu cầu khoảng 60% chiều dài tuyến, áp dụng trong trường hợp tuyến đi qua khu vực đô thị, đông dân cư, vượt sông, đất yếu và các vị trí giao với các công trình khác (đường sắt hiện tại, đường bộ...).
Kết cấu hầm khoảng 10% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực đồi núi cao.
Kết cấu nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực dân cư thưa, không giao cắt với công trình khác, ít bị ảnh hưởng của lũ lụt, động đất, điều kiện địa chất ổn định.
Kỳ Nam