Một nhân viên tại nhà hàng Khang Buffet bị tố bẫy 3 mẹ con sóc, nhốt chung với rắn để làm thịt, gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Vụ việc được cho là xảy ra tại khuôn viên nhà hàng. Trước làn sóng chỉ trích, chủ quán lên tiếng phủ nhận tin đồn nhưng cách phản hồi bị đánh giá là thiếu kiểm soát, khiến dư luận tiếp tục tranh cãi gay gắt về đạo đức kinh doanh và cách xử lý khủng hoảng truyền thông trong ngành F&B (Food and Beverage).
Vụ việc này xảy ra tại một chi nhánh của chuỗi lẩu nướng Khang Buffet khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Dư luận đồng loạt phản đối hành vi bị cho là phản cảm và thiếu đạo đức trong ngành nhà hàng.
Chủ quán lên tiếng giữa tâm bão
Tài khoản Facebook tên Lê Mạnh Khang, được xác nhận là đại diện chuỗi Khang Buffet, đã lên bài phản hồi. Trong đó, anh khẳng định: "Tất cả những bài đăng này đều là sai sự thật" và "không có bất cứ câu nào tôi bênh nhân viên". Anh cho biết nhân viên đã sai phạm, đã chịu hậu quả, và anh không cổ súy cho hành động đó.
Tuy nhiên, trong một bài viết trước đó, chủ quán từng chia sẻ: "Bọn trẻ trâu nghịch dại thôi mà, chịu hậu quả rồi, sau tự mà rút kinh nghiệm, làm gì mà phải đuổi?" – phát ngôn này nhanh chóng vấp phải phản ứng dư luận, khiến nhiều người cho rằng anh đang tìm cách bao biện.
Chủ quán Khang Buffet khẳng định không bênh vực nhân viên trước hành động bẫy thịt ba mẹ con sóc.
Tranh cãi mạng xã hội: Giữ người hay giữ chuẩn mực?
Câu chuyện "Khang Buffet bẫy sóc" không chỉ khiến thực khách bức xúc mà còn trở thành chủ đề nóng về đạo đức nghề nghiệp. Tài khoản Nguyễn Lan Anh viết: "Lúc đọc em cũng không nghĩ anh sẽ lên bài vì cái vấn đề đấy thật sự không hay ho gì cả".
Trong khi đó, một số người lại đặt ngược vấn đề: "Nhiều người không phân biệt được động vật hoang dã với gia súc, gia cầm. Việc ăn thịt sóc hay rắn còn phụ thuộc vào văn hóa ẩm thực từng nơi", một tài khoản bình luận.
Chủ quán Khang cũng đáp: "Tôi nghĩ cái đó do góc nhìn và quan điểm mỗi người. Mỗi người 1 kiểu, chả có đúng sai gì hết."
Một thực khách lâu năm của Khang Buffet, tài khoản M. Hồn Nhiên, chia sẻ thẳng thắn: "Người ăn thịt không có nghĩa là họ không cảm thấy tiêu cực khi đọc những thông tin liên quan tới việc sát sinh động vật". Cô cho rằng điều khiến khách hàng thất vọng không nằm ở hành vi cá nhân của nhân viên, mà ở cách phản hồi của chủ quán mang tính thiếu tinh thần cầu thị và không giữ được chuẩn mực khi phản ánh nhà hàng.
Khách hàng bày tỏ sự thất vọng với cách phản hồi của chủ nhà hàng.
Khủng hoảng truyền thông F&B: Bài học đắt giá từ một vụ việc nhỏ
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định 'khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông', mà bắt đầu từ chính triết lý, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức…
Ông Vinh cho biết, chúng ta đều đã quen với thuật ngữ "khủng hoảng truyền thông". Tuy nhiên, nếu hiểu khủng hoảng chỉ ở trên các phương tiện truyền thông thôi thì sẽ dẫn đến phương pháp xử lý sai lầm. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần gỡ bỏ hoặc khỏa lấp thông tin tiêu cực, ngỡ rằng đã xử lý xong. Nhưng không phải thế, những hành vi hoặc thái độ gây nên khủng hoảng vẫn nằm đâu đó trong trí não công chúng, thậm chí lan truyền như cơn sóng ngầm, phá nát uy tín doanh nghiệp. Chưa hết, cái cách xử lý khủng hoảng như vậy sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy về sau, tiêu hủy niềm tin từ công chúng, cộng đồng
Quay lại câu chuyện nhà hàng Khang Buffet, nhiều khách hàng 'nghiêng' về phía chủ quán nên có hướng xử lý khéo léo, đồng cảm, thay vì thể hiện thái độ bất cần hoặc đổ lỗi, sự việc đã không bị đẩy lên thành scandal. Trong thời đại số, nơi mà mỗi hành vi của doanh nghiệp đều có thể trở thành vấn đề thương hiệu, một câu chữ sai có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Việc để vụ việc lan rộng mà không có thông cáo chính thức hay lời xin lỗi công khai càng khiến niềm tin của khách hàng lung lay. Không ít người đã gọi đây là Khang Buffet scandal, phản ánh mức độ tổn hại không chỉ với thương hiệu mà còn cả ngành dịch vụ ăn uống.
Truyền thông mạng xã hội không có vùng an toàn
Vụ việc bẫy sóc nhốt rắn tại Khang Buffet là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai đang điều hành trong lĩnh vực dịch vụ. Một sai sót của nhân viên, nếu không được xử lý đúng cách, có thể thổi bùng thành tranh cãi mạng xã hội, làm chao đảo cả một thương hiệu. Từ ăn thịt sóc đến phản ứng truyền thông, bài học sâu xa hơn là về trách nhiệm phát ngôn và thái độ thành thật khi đối diện khủng hoảng.
Hoàng Minh