Chủ quyền của Việt Nam tại vùng nước lịch sử - vịnh Bắc Bộ

Chủ quyền của Việt Nam tại vùng nước lịch sử - vịnh Bắc Bộ
3 giờ trướcBài gốc
Cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Trung Quốc tuần tra chung trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Trong ảnh: Lực lượng tuần tra Cảnh sát biển Việt Nam tặng quà lực lượng tuần tra Cảnh sát biển Trung Quốc. Ảnh: qdnd.vn
Vùng nước lịch sử được hiểu là vùng nước có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quốc gia ven biển về mặt kinh tế, quốc phòng. Quốc gia ven biển đã có một số đặc quyền đối với vùng nước này từ lâu và vùng nước này không có đường hàng hải quốc tế đi qua.
Địa giới vịnh Bắc Bộ
Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, trải dọc đất nước từ Bắc tới Nam, với chiều dài bờ biển 3.260km, không kể các đảo. Vùng biển Việt Nam có hai khu vực địa lý đặc biệt chung với các nước láng giềng, đó là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Đối với khu vực vịnh Bắc Bộ, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ từ năm 2000. Hiệp định đã ghi nhận cam kết của hai bên trong việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên trong phạm vi các vùng biển của mình.
Tại điểm 3, Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam có ghi rõ: “Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa..., phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, tại vùng nước này, Việt Nam có chủ quyền mang tính chất hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ. Cụ thể hơn, chủ quyền của Việt Nam bao trùm lên cả vùng trời, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên dưới vùng nước vịnh Bắc Bộ. Nội dung của quy chế pháp lý đối với vịnh Bắc Bộ bao gồm chế độ đi lại trong nội thủy và quyền tài phán của quốc gia ven biển:
Chế độ đi lại trong nội thủy, bao gồm các vấn đề:
- Chế độ xin phép của tàu thuyền nước ngoài khi muốn ra vào hoặc đậu lại trong nội thủy. Bất kỳ tàu thuyền nước ngoài nào muốn vào nội thủy của quốc gia ven biển đều phải xin phép trước và chỉ sau khi có được sự cho phép của quốc gia ven biển mới được vào. Thời gian xin phép trước đối với từng loại tàu do pháp luật của quốc gia ven biển quy định. Trường hợp tàu thuyền nước ngoài vào nội thủy để đến một cảng của quốc gia ven biển thì phải đến một địa điểm quy định để làm các thủ tục về an ninh, y tế, hải quan và sau khi hoàn tất hết các thủ tục, tàu thuyền mới được phép vào cảng biển theo sự hướng dẫn của hoa tiêu hàng hải của quốc gia ven biển.
Theo tập quán chung, các quy định về xin phép và thời gian phải xin phép trước không áp dụng trong trường hợp tàu thuyền nước ngoài bị thiên tai hay tai nạn đang uy hiếp đến an toàn của tàu thuyền cũng như tính mạng của những người ở trên tàu thuyền đó.
- Tàu thuyền khi vào nội thủy đều phải tuân thủ tuyệt đối pháp luật của quốc gia ven bờ. Ở trong vùng nội thủy, mọi hoạt động của tàu thuyền nước ngoài đều phải được sự cho phép và phải tuân theo quy định của quốc gia ven biển.
- Tàu thuyền vi phạm pháp luật của quốc gia ven bờ phải chịu tài phán của quốc gia đó.
Thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển
Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với tàu thuyền trong vùng nội thủy. Cụ thể:
- Tàu thương mại tư nhân và tàu thương mại nhà nước: Quốc gia ven bờ có toàn quyền tài phán về hình sự, dân sự, hành chính đối với con người và tài sản, kể cả chính con tàu. Tuy nhiên, trong thời gian đang neo đậu tại cảng biển, tranh chấp phát sinh trong nội bộ thủy thủ đoàn hoặc xung đột bạo lực diễn ra trên tàu thuyền nước ngoài không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển mà thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia tàu thuyền mang cờ. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển chỉ can thiệp trong trường hợp: Có hành vi phạm tội do một người ngoài thủy thủ đoàn thực hiện trên tàu thuyền nước ngoài; thuyền trưởng yêu cầu chính quyền của quốc gia ven biển can thiệp; hậu quả của hành vi phạm tội ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của cảng biển.
- Đối với tàu quân sự và tàu nhà nước phi thương mại, quốc gia ven bờ không có quyền tài phán theo các quy định về quyền ưu đãi và miễn trừ của luật quốc tế. Trường hợp các tàu này có hành vi vi phạm, quốc gia ven biển có quyền buộc tàu đó rời khỏi nội thủy ngay lập tức hoặc yêu cầu quốc gia có tàu xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo con đường ngoại giao.
Cùng với quá trình phát triển, nhu cầu mở rộng cũng như bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia ngày càng trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Các yêu sách lịch sử cũng vì vậy mà ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn trong các tranh chấp gần đây, xuất phát từ tham vọng gia tăng các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia cũng như để đạt được những lợi ích lớn hơn trong quá trình phân định biển.
Với việc quy định quy chế pháp lý tại vịnh Bắc Bộ một cách cụ thể và rõ ràng như trên đã giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia tại vùng biển này.
Thượng úy Nguyễn Văn Tài (Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2 BĐBP)
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/chu-quyen-cua-viet-nam-tai-vung-nuoc-lich-su-vinh-bac-bo-post482609.html