Chủ shop thời trang 'mừng rơi nước mắt' khi trời trở lạnh

Chủ shop thời trang 'mừng rơi nước mắt' khi trời trở lạnh
2 giờ trướcBài gốc
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến kinh doanh thời trang
"Chờ mãi mới thấy trời thực sự trở lạnh, ngay trong ngày lạnh đầu tiên, tôi vừa có 6 đơn áo, thu về 6 triệu đồng, thực sự là mừng đến rơi nước mắt. Hai tháng qua, mỗi lần mở cửa hàng, nhìn đống quần áo treo trên giá cứ ế mã mà buồn lòng", chị Hoàng Ly - chủ một shop thời trang tại quận Đống Đa chia sẻ. Nữ chủ shop này cho biết con số doanh thu 6 triệu đồng này không thấm vào đâu, bởi chi phí để duy trì hoạt động của một cửa hàng kinh doanh thời trang là rất tốn kém.
"Tiền thuê mặt bằng 20 triệu đồng 1 tháng, đi kèm các khoản khác, cứ mỗi ngày mở mắt ra là tốn khoảng 1 triệu đồng rồi. Tiền nhập hàng, chi phí trả lương nhân viên, chi phí marketing, các chi phí duy trì các kênh mạng, duy trì gian hàng online..., rất nhiều các thứ chi phí khác. Trước đây, khoảng thời gian này là thời gian vào mùa, vài năm trước đơn hàng ngập lụt, hàng về không đủ bán. Chuyển mùa và trước Tết luôn là lúc mà kinh doanh thời trang cao điểm nhất, doanh thu cao nhất nhưng giờ sụt giảm nặng. Nhiều chị em cùng mảng kinh doanh thời trang như tôi đã phải tìm cách cắt giảm chi phí, thu hẹp mặt bằng thậm chí là ngừng kinh doanh", chị Ly chia sẻ.
Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của các cửa hàng thời trang
Giới chị em kinh doanh thời trang cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh bị sụt giảm, trong đó có cả do thời tiết. Chị Lê Mai - chủ một cửa hàng thời trang chia sẻ: "Chúng tôi nói với nhau rằng thời tiết cứ như thử thách lòng người, có đến cả chục lần dự báo thời tiết Hà Nội sắp lạnh, không khí lạnh tăng cường nhưng rồi mãi có thấy lạnh đâu, trời cứ nắng ấm liên tục."
Nhiều năm gần đây, nắng nóng thì kéo dài còn mùa đông đến rất muộn, thời gian lạnh ngắn lại, một năm giờ đây chỉ có khoảng 2-3 tháng là trời lạnh. Mọi người dường như cũng đã quen với điều này nên chi tiền mua sắm quần áo rét ít đi, mà đặc trưng của mặt hàng này là cứ vào mùa, cứ thấy lạnh mới mua. Các chủ shop thời trang thường nhập hàng khi chuẩn bị vào mùa, và cứ thế ôm hàng đợi trời rét. Nhiều chủ shop chưa kinh nghiệm ôm hàng nhiều, và lại đợi để mùa sau thanh lý. Nhiều chủ kinh doanh thời trang đã nói rằng biến đổi khí hậu đã tác động đến những người kinh doanh thời trang.
Một quản lý thương hiệu thời trang tên tuổi với hệ thống nhiều cửa hàng lớn cho biết đã phải cắt giảm dần các mẫu mùa đông, do số ngày lạnh trong năm có dấu hiệu ngày càng có ngắn lại.
Khảo sát tại khu vực phố thời trang Phạm Ngọc Thạch và Chùa Bộc (quận Đống Đa), sau 2 ngày trời Hà Nội trở lạnh thì lượng khách đến mua quần áo rét, đồ mùa đông đã nhiều hơn. Nhiều cửa hàng trên các con phố này đang treo biển giảm giá, sale, ghi các mức giá rẻ để thu hút khách hàng trong thời gian này.
Kinh doanh thời trang gặp khó
"Có ở trong nghề mới biết lĩnh vực này đang khó thế nào, không phải tình cờ mà vừa có đến cả 1 loạt thương hiệu thời trang cùng nhau đóng cửa" là lời chia sẻ của nhiều chủ shop, nhiều chủ các thương hiệu kinh doanh thời trang.
Hàng loạt các thương hiệu thời trang có tuổi đời cả chục năm, có lượng khách hàng nhất định đã nói lời chia tay trong thời gian vừa qua. LEP', Catsa, Elpis, MIEU... là các thương hiệu thời trang đã đóng cửa, ngừng kinh doanh hoặc thông báo tạm dừng để chuyển hướng kinh doanh. Những thời chia tay này được chị em bàn tán, thảo luận khá nhiều trên mạng xã hội. Các thương hiệu thời trang sau khi đưa ra tuyên bố ngừng kinh doanh thì đều đang có những đợt xả hàng rất lớn.
Nhiều cửa hàng thời trang treo biển thanh lý, giảm giá
Thị trường có sự cạnh tranh quá lớn, sự đổ bộ của các nền tảng thương mại điện tử, có những nền tảng chỉ chuyên về thời trang, sự cạnh tranh về giá khiến các nữ chủ kinh doanh thời trang phải nghĩ hướng đi mới. Đi vào thị trường ngách, nâng cấp sản phẩm, tăng yếu tố văn hóa cho sản phẩm, cá nhân hóa sản phẩm, chăm sóc tốt hơn khách hàng là những điều mà nhiều chủ shop đang làm, nhưng việc kinh doanh vẫn vô cùng khó khăn.
Chủ một shop áo dài cho biết các shop áo dài đang bắt đầu đẩy mạnh, chuẩn bị cho "mùa vụ" áo dài Tết. Với một mẫu áo dài hiện tại, việc đưa vào các chất liệu lụa truyền thống, mẫu mã theo hướng cổ phục, sử dụng các họa tiết thêu tay truyền thống sẽ giúp mẫu áo dài ấn tượng hơn, tuy nhiên giá bán sẽ cao hơn. Áo dài cũng là sản phẩm có tính mùa vụ cao, nữ chủ shop này cho biết không chỉ shop của chị mà nhiều thương hiệu áo dài khác cũng đã sụt giảm doanh số trong 2 cái Tết gần đây. Các shop thời trang ở các phân khúc, các dòng sản phẩm khác nhau đều đang đứng trước những thách thức trong thời gian qua.
Một chủ shop thời trang tiết lộ đã nhập về và trong kho hiện đang còn khoảng hơn 100 chiếc áo khoác lót lông cừu, và từ đầu mùa đến giờ mới chỉ bán được đúng 3 chiếc. "Chỉ mong trời lạnh còn bán được hàng, nếu không chỉ có ế, gian nan lắm" là tâm sự của chủ shop này.
Quang Thái
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/chu-shop-thoi-trang-mung-roi-nuoc-mat-khi-troi-tro-lanh-20241127175715617.htm