Theo thông báo, bà Lê Thị Bích Lợi xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT từ ngày 1/12/2024 để nghỉ hưu theo quy định.
Bà Lê Thị Bích, Chủ tịch HĐQT Cao su Tân Biên. Ảnh: RTB
Theo tìm hiểu, bà Lợi sinh năm 1968, có trình độ chuyên môn Kỹ sư nông học. Bà tham gia vào Cao su Tân Biên với vị trí nhân viên phòng Nông nghiệp từ năm 1991. Trải qua nhiều vị trí từ Phó Giám đốc lên Giám đốc, năm 2016, bà Lợi được bầu làm Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc. Đến tháng 6/2019, bà được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT cho đến nay. Như vậy, bà Lợi đã gắn bó với công ty cao su này hơn 33 năm.
Quá trình công tác của bà Lê Thị Bích Lợi tại Cao su Tân Biên. Ảnh: Vietstock
Cũng liên quan đến biến động nhân sự cấp cao, ngày 5/11 vừa qua, đơn vị này đã bổ nhiệm lại ông Dương Tấn Phong giữ chức Phó Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT, thời hạn 5 năm, hiệu lực từ ngày 19/8/2024.
Thông tin về những biến động nhân sự được Cao su Tân Biên đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức vào ngày 5/12 tới.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức hồi đầu năm, ban lãnh đạo Cao su Tân Biên nhận định rằng năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Các thách thức đến từ cả thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản lượng vườn cây giảm do tái canh vườn già hết chu kỳ khai thác, sự bất ổn về thời tiết và giá cao su. Những yếu tố này dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch sản xuất và kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại tương đối khởi sắc. 9 tháng đầu năm 2024, công ty mang về doanh thu thuần gần 801 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế đạt 331 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Kết quả này đã vượt qua kế hoạch đặt ra từ đầu năm và thậm chí lợi nhuận cao hơn cả nhiều năm trước đó.
Theo giải trình, trong quý III, giá bán mủ cao su bình quân tăng hơn 7,3 triệu đồng/tấn, đồng thời giá vốn hàng bán mủ cao su giảm hơn 3 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, do diện tích và doanh thu bán thanh lý cây cao su tăng, dẫn đến lợi nhuận hoạt động khác của Cao su Tân Biên tăng so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong quý III, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng so với quý trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá xuất khẩu cao su thời gian qua luôn ở mức cao. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2024 dự báo đạt từ 3 - 3,5 tỷ USD, tăng 200 - 400 triệu USD so với năm 2023.
Thời gian tới, nhu cầu cao su có thể tiếp tục tăng khi thị trường Trung Quốc đưa ra các gói kích thích nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Điều này đưa đến tâm lý kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, kéo theo nhu cầu về cao su cho các hoạt động sản xuất. Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, nên bất kỳ sự biến động nào của thị trường này cũng tác động lớn tới ngành cao su của Việt Nam.
Trang Mai